Trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng và ngành Thanh tra nói chung. Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương, thực hiện chương trình, dự án đều đạt được những kết quả tích cực, với nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế phong phú về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng và ngành Thanh tra nói chung. Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương, thực hiện chương trình, dự án đều đạt được những kết quả tích cực, với nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế phong phú về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Nếu những kết quả này được tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng một cách hiệu quả sẽ giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra, góp phần quan trọng để ngành Thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, cũng như giúp nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế chưa thực sự rõ nét bởi còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể:
Một là, sự thiếu tích cực, chủ động của một số chủ thể trực tiếp tham dự các hoạt động hợp tác quốc tế.
Việc chọn đúng đối tượng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của hoạt động tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế. Qua tìm hiểu, có một bộ phận các chủ thể trực tiếp tham dự các hoạt động hợp tác quốc tế, tham gia tiếp cận, khai thác các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế tại các sự kiện như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham gia các đoàn công tác, các khóa đào tạo… còn mang tính thụ động, chưa tích cực. Điều này có thể do quá trình lựa chọn và cử cán bộ chưa đúng đối tượng phù hợp. Cán bộ được chọn cử có thể có trình độ chuyên môn chưa thực sự phù hợp với nội dung và lĩnh vực của hoạt động, hoặc chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác này, dẫn đến việc họ chưa hứng thú với thông tin, kết quả mà hoạt động mang lại và thậm chí chưa tích cực, chủ động, không chú tâm nhiều tới việc tiếp cận, khai thác thông tin cũng như phổ biến, áp dụng các thông tin, kết quả này sau khi được tiếp cận, giới thiệu.
Hai là, một số thông tin, kết quả đầu ra sẵn có của hoạt động hợp tác quốc tế còn chưa thực sự phù hợp và đúng nhu cầu thực tiễn.
Thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế sẵn có cũng quyết định sự quan tâm của các chủ thể và ảnh hưởng tới kết quả của việc tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng các thông tin, kết quả đó. Trên thực tế, những thông tin, kết quả đầu ra sẵn có nhiều khi chưa thực sự phù hợp và đúng với nhu cầu thực tiễn của các chủ thể sử dụng. Ví dụ, nhu cầu nội dung của các chủ thể đối với mảng xây dựng thể chế với nhiều thông tin, kết quả đầu ra sẵn có (hoặc có thể khai thác được) của hợp tác quốc tế là không trùng nhau dẫn đến việc khó áp dụng, vận dụng. Vấn đề này xuất phát từ cả phía đơn vị hoạt động hợp tác quốc tế, lẫn đơn vị khai thác sử dụng. Các bên không chủ động trao đổi nắm bắt nhu cầu, thống nhất về mặt định hướng để làm cơ sở triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế. Cụ thể, do thiếu sự phối hợp giữa các bên nên đơn vị triển khai hoạt động hợp tác quốc tế không nắm bắt được các đơn vị khai thác sử dụng mong muốn học hỏi, tham khảo gì từ kinh nghiệm quốc tế, những điểm cần bổ sung về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ… Thêm vào đó, do đặc thù về mô hình thể chế nên thông tin, kết quả hợp tác quốc tế thường tập trung nhiều vào lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, sau đó đến khiếu nại hành chính, trong khi các lĩnh vực còn lại thiếu thông tin, vì vậy việc vận dụng trong các lĩnh vực đó sẽ không nhiều. Đây thật sự là bất cập đã bộc lộ trong thời gian qua và ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng.
Những dấu ấn hợp tác quốc tế của TTCP
Ba là, chưa có hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về các kết quả đầu ra của hoạt động hợp tác quốc tế.
Có thể thấy, việc hệ thống hóa, quản lý và cập nhật thường xuyên các thông tin, kết quả hợp tác sẵn có rất quan trọng cho công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng. Hiện nay, việc tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng sản phẩm đầu ra của hợp tác quốc tế đang gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả do Thanh tra Chính phủ thiếu một thư viện truyền thống để hệ thống, lưu trữ và quản lý các thông tin, kết quả bản in và thiếu thư viện điện tử hay cơ sở dữ liệu điện tử về các kết quả đầu ra hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ. Tư liệu dưới dạng điện tử và bản in đều được lưu trữ tại các đơn vị cụ thể liên quan tới từng hoạt động hoặc mảng nội dung, nhiệm vụ, dẫn đến việc quản lý không đồng bộ, thống nhất, không có hệ thống; các tài liệu tản mát, không được cập nhật thường xuyên, thực sự khó tìm, khó tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng khi có nhu cầu.
Bốn là, chưa tận dụng hiệu quả các kênh truyền thông nội bộ của Ngành và của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Mặc dù các thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế được chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử, các trang tin điện tử nội bộ, Báo Thanh tra điện tử và Tạp chí Thanh tra điện tử khá đầy đủ nhưng việc tiếp cận, khai thác, phổ biến qua các phương tiện truyền thông của Ngành còn chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do trên Cổng thông tin điện tử, Báo Thanh tra điện tử và Tạp chí Thanh tra điện tử, chuyên mục hợp tác quốc tế hiện đang chủ yếu dừng lại ở mức độ đưa tin bài hoạt động với nội dung chưa chuyên sâu. Các thông tin sâu hơn thường xuất hiện trên các trang điện tử của Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra với các bài phân tích, các tài liệu nghiên cứu. Điều này có thể được cải thiện hơn nếu có thể thiết lập cơ chế tự động chia sẻ bài viết giống các trang báo điện tử hiện nay, đồng thời, cho phép đăng tải các sản phẩm đầu ra của hợp tác quốc tế sẵn có dưới dạng ấn phẩm, tài liệu… Ngoài ra, kênh truyền thông nội bộ thông qua việc xây dựng bản tin nội bộ, các buổi chia sẻ, sinh hoạt chuyên đề… chưa được tận dụng để thúc đẩy việc tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế. Nguyên nhân là do việc chia sẻ thông tin nội bộ diễn ra chưa thường xuyên, và thông tin, kết quả hợp tác quốc tế cũng thường ít được lựa chọn làm chủ đề chia sẻ trong các buổi sinh hoạt chuyên đề và chia sẻ thông tin này.
Năm là, thiếu quy chế hướng dẫn đồng bộ cho công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng thông tin, kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế.
Mặc dù, Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cục, vụ, đơn vị, kể cả Vụ Hợp tác quốc tế, tuy nhiên trong các văn bản này chưa quy định rõ việc phối hợp và nhiệm vụ của các bên trong quá trình phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, việc tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế còn chưa hiệu quả do thiếu một quy chế hướng dẫn chung cho công tác này. Điều đó có khi dẫn đến sự chồng chéo hoặc có khi lại dẫn đến khoảng trống trong việc thực hiện công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng hoặc làm cho sự phối hợp không nhịp nhàng, đồng bộ, khiến việc triển khai hoạt động không đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, do thiếu quy chế hướng dẫn, khi những chủ thể có nhu cầu đối với thông tin, kết quả hợp tác quốc tế sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác một cách chính thức, điều này ảnh hưởng không chỉ việc tiếp cận, khai thác mà cả việc phổ biến, ứng dụng.
Sáu là, thiếu nguồn lực phân bổ cho công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế.
Công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế bị hạn chế do những khó khăn về nguồn lực cho công tác này. Cụ thể, hiện nay không có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, các chủ thể thực hiện được phân công theo sự vụ khiến các hoạt động không có tính kế thừa, tiếp nối và tính hệ thống, thiếu vắng đầu mối khi có nhu cầu thông tin. Thêm vào đó, ngân sách phân bổ cho các hoạt động liên quan tới công tác này chưa có nguồn riêng, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan phải tận dụng các nguồn lực, đôi khi tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức phát triển, từ các dự án, hợp phần dự án… để nỗ lực thực hiện các nội dung công việc cần thiết ở mức tối thiểu. Do đó, thông tin, kết quả không được biên soạn, biên dịch thường xuyên. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng chưa được đầu tư, nhiều hoạt động triển khai dang dở phải dừng vì thiếu ngân sách.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp đổi mới công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế như sau:
- Nâng cao chất lượng thông tin, sản phẩm hoạt động hợp tác quốc tế.
Đối với giải pháp này, cần tập trung vào một số nội dung gồm:
(i) Nâng cao chất lượng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc đổi mới tất cả các bước trong quy trình hoạt động hợp tác quốc tế bao gồm: Lựa chọn đối tác có uy tín và năng lực phù hợp; xây dựng kế hoạch hoạt động có sự phối hợp và thống nhất giữa các bên liên quan để có những sản phẩm đầu ra phù hợp và đúng nhu cầu thực tiễn có tính tới kế hoạch trung và dài hạn; triển khai kế hoạch hoạt động và đánh giá hiệu quả, trong đó nhấn mạnh tới yếu tố phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện cả trong nội bộ từng đơn vị và giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ, gắn trách nhiệm và sự tham gia của các bên liên quan trong toàn bộ quá trình triển khai cũng như đánh giá.
(ii) Nâng cao chất lượng thông tin, sản phẩm hợp tác quốc tế thông qua việc đổi mới phương thức quản lý. Các sản phẩm thông tin, kết quả hợp tác quốc tế như tài liệu hội nghị, hội thảo, các báo cáo, các kinh nghiệm thực tiễn, các mô hình… thu được sau các hoạt động hợp tác quốc tế cần phải quản lý có hệ thống. Điều này là cần thiết để các thông tin, kết quả trở nên dễ dàng tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng. Cụ thể, sau khi có các sản phẩm đầu ra của hoạt động hợp tác quốc tế dưới mọi hình thức, cần tiến hành tài liệu hóa toàn bộ các thông tin, kết quả đó về những dạng thức có thể tiếp cận được và tập hợp về một mối cả bản điện tử và bản in. Tiếp đến, tiến hành hệ thống hóa và phân loại các thông tin, kết quả đã tập hợp theo các nhóm nội dung, các hình thức khác nhau, trên cơ sở đồng bộ hóa dữ liệu, số hóa tài liệu, xây dựng các kho dữ liệu điện tử và bản in. Cuối cùng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu gồm cả bản in và bản giấy, lưu trữ các sản phẩm thông tin trong cơ sở dữ liệu đó phục vụ cho công tác tra cứu, tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng.
- Hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng.
Thực trạng của việc thiếu vắng các quy định, quy chế hướng dẫn chi tiết về tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế dẫn đến tình trạng các bên liên quan thiếu căn cứ và hướng dẫn để thực hiện cũng như không ràng buộc được trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình này. Do đó, rất cần một quy chế hướng dẫn để làm căn cứ xác định trách nhiệm cũng như căn cứ cho việc đánh giá hiệu quả tham gia của các bên vào quá trình hoạt động hợp tác quốc tế và khai thác ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế.
- Đổi mới phương thức tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng.
Đối với giải pháp này, cần tập trung vào các điểm sau:
(i) Cần tạo ra những sản phẩm dễ tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng: Các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế cần được lựa chọn, khai thác, từ đó biên tập xây dựng các ấn phẩm theo chủ đề, lĩnh vực, theo nhóm nội dung, đồng thời tiến hành chuyển ngữ, biên dịch đối với các sản phẩm hữu ích bằng tiếng nước ngoài, hoặc khai thác để viết các bài nghiên cứu chuyên sâu. Với những thông tin, nội dung hay, các bài viết chuyên sâu khuyến khích chuyển ngữ sang tiếng Anh để phục vụ cho công tác tuyên truyền tới đối tượng người nước ngoài sống tại Việt Nam, người Việt sống ở nước ngoài và các đối tác quốc tế. Tiếp tục hệ thống hóa và đưa các sản phẩm mới này vào các kho lưu trữ để phục vụ mục đích tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng.
(ii) Xây dựng kho dữ liệu thông tin, kết quả hợp tác quốc tế cả dạng bản in và bản điện tử: Cần thiết lập kho lưu trữ trực tuyến để chứa các thông tin tài liệu điện tử về thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế. Với sự hỗ trợ của công nghệ và thông tin hiện nay, xây dựng kho lưu trữ trực tuyến là công việc dễ dàng thực hiện, ít tốn kém hơn cả, đối tượng có thể tiếp cận khai thác sản phẩm ở mọi nơi mọi lúc. Ngoài ra, có thể xây dựng thư viện hay kho tư liệu riêng trong thư viện của cơ quan Thanh tra Chính phủ về thông tin kết quả hợp tác quốc tế, những nghiên cứu, đánh giá, kết quả ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế để các cán bộ công chức, viên chức người lao động trong cơ quan có thể tìm hiểu tham khảo; những người ngoài cơ quan có thể tiếp cận ở mức độ nhất định (phân cấp tiếp cận tùy theo mức độ mật của các loại tài liệu đó).
(iii) Tăng cường công tác truyền thông nội bộ, sinh hoạt chuyên đề, tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông của ngành. Để tăng cường công tác truyền thông nội bộ, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:
+ Tạo cơ chế sử dụng hệ điều hành tác nghiệp nội bộ của cơ quan như một kênh truyền tải các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế sau khi đã tài liệu hóa đến những đối tượng thụ hưởng phù hợp.
+ Các cục, vụ, đơn vị tăng cường phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, trong tiếp cận, khai thác các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế nói riêng. Đồng thời, phối hợp các đơn vị truyền thông nội bộ để đưa thông tin về các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan. Ở mức độ đưa tin báo chí thông thường: Cần tạo cơ chế để thông tin về các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt các hoạt động diễn ra ở nước ngoài, được cập nhật đến đông đảo các chủ thể liên quan và công chúng nói chung. Đối với mỗi đoàn đi công tác trong khuôn khổ hoạt động song phương, hay đa phương cần có các thông tin bài viết, hình ảnh về hoạt động của đoàn đăng trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ và kho lưu trữ trực tuyến về kết quả hợp tác quốc tế cả nội dung tiếng Anh và tiếng Việt. Ở mức độ đưa tin chuyên sâu: Cần khuyến khích việc phối hợp giữa các chủ thể (cá nhân/đơn vị) trực tiếp tham gia/phụ trách một sự kiện hay hoạt động hợp tác quốc tế cụ thể với các cơ quan truyền thông của ngành để đưa tin, bài viết chuyên sâu về kết quả hoạt động hợp tác quốc tế.
+ Các vụ, cục, đơn vị tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông nội bộ để đưa tin về kết quả khai thác, ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế liên quan tới phạm vi, lĩnh vực mình phụ trách.
+ Tăng cường các hoạt động trao đổi chuyên đề là một phương thức thuận tiện để giới thiệu thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế. Hoạt động này có thể diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ, cán bộ tham gia đoàn tổ chức buổi họp trong đơn vị để giới thiệu thông tin, kết quả tham gia đoàn công tác nước ngoài. Ở cấp độ đoàn công tác, có thể tổ chức buổi thảo luận giữa đoàn công tác với các đơn vị liên quan để giới thiệu và thảo luận về thông tin, kết quả hợp tác quốc tế. Ở cấp độ cơ quan, Vụ Hợp tác quốc tế, với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, có thể tổ chức buổi làm việc định kỳ 6 tháng với đại diện các đơn vị có liên quan để trao đổi, cập nhật thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế. Cũng tại các buổi làm việc này đại diện các vụ, cục, đơn vị phản hồi về tình hình khai thác ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế, qua đó bàn bạc thống nhất về phương hướng hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian tới, ví dụ bàn về các vấn đề các đơn vị đang khai thác ứng dụng nhưng gặp khó khăn, cần tìm hiểu sâu hơn kinh nghiệm, thực tiễn của các nước…
+ Tổ chức hội thảo giới thiệu các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế đã được tập hợp, hệ thống hóa, được xuất bản… hoặc thông qua các diễn đàn, hội nghị, tọa đàm để quảng bá các sản phẩm đó.
- Giải pháp liên quan tới nguồn lực nhân sự, tài chính và nguồn lực khác:
(i) Đổi mới về quản lý nhân lực và nhân sự: Nhân lực luôn là yếu tố quan trọng và quyết định để tổ chức các hoạt động. Vì vậy, cần bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm cố định làm đầu mối phụ trách khai thác thông tin, kết quả đầu ra của hoạt động hợp tác quốc tế. Các cán bộ đầu mối này có các nhiệm vụ sau: Chịu trách nhiệm chủ trì việc tài liệu hóa thông tin, kết quả hợp tác quốc tế; phụ trách công tác truyền thông, phổ biến thông tin, kết quả hợp tác quốc tế; tổng hợp nhu cầu của các cục, vụ, đơn vị liên quan đến nhu cầu tiếp cận thông tin, kết quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Các đơn vị khai thác, ứng dụng thông tin kết quả hợp tác quốc tế cũng cần mỗi đơn vị một cán bộ đầu mối làm công tác tổ chức, triển khai việc nghiên cứu ứng dụng thông tin kết quả hợp tác quốc tế; tổng hợp đánh giá hiệu quả của việc nghiên cứu, ứng dụng đó. Các cán bộ đầu mối này cần được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng, kiến thức cần thiết để triển khai công việc có hiệu quả hơn.
(ii) Đổi mới về phân bổ nguồn lực tài chính: Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước phân bổ cho các hoạt động hợp tác quốc tế hiện nay còn rất eo hẹp, việc tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, ngân sách Nhà nước cho riêng công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế cũng gần như không có. Vì vậy, để có bước đột phá, đổi mới, cần bố trí nguồn kinh phí thường xuyên phù hợp cho các hoạt động hợp tác quốc tế cũng như hoạt động tiếp cận, khai thác, ứng dụng kết quả hợp tác quốc tế, cụ thể: Ngoài việc đảm bảo kinh phí cho hoạt động hợp tác quốc tế, cần cấp kinh phí cho việc tài liệu hóa, hệ thống hóa các thông tin, kết quả; biên dịch, biên soạn các ấn phẩm, tài liệu quan trọng; kinh phí cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các thông tin, kết quả hợp tác quốc tế sau khi được chọn lọc, biên soạn, chỉnh lý phù hợp. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng cần tận dụng triệt để các nguồn tài trợ nước ngoài để hỗ trợ triển khai các hoạt động này tốt hơn.
(iii) Đổi mới cơ sở vật chất: Đồng bộ với các giải pháp nêu ở trên, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường một cách tương xứng sẽ làm nền tảng để hoạt động hợp tác quốc tế cũng như công tác tiếp cận khai thác, tiếp cận, ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế diễn ra một cách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả. Về cơ bản cơ sở vật chất, các thiết bị tại cơ quan Thanh tra Chính phủ đã được trang bị khá đầy đủ, đáp ứng được các yêu cầu cho hoạt động chung của cơ quan và hoạt động hợp tác quốc tế nói riêng. Tuy nhiên, vẫn cần có hệ thống trang bị đặc biệt dành riêng cho công tác khai thác, tiếp cận, phổ biến ứng dụng thông tin kết quả hợp tác quốc tế, như: Xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm nhằm thiết lập kho dữ liệu trực tuyến với dung lượng không hạn chế; xây dựng phần mềm quản lý thông tin, kết quả hợp tác quốc tế nói riêng và tài liệu của cơ quan nói chung, có tính đến sự phân quyền truy cập tùy nội dung và mức độ mật; trang bị, nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên với hệ thống máy chủ, đường truyền internet của cơ quan, của các đơn vị truyền thông nội bộ để đảm bảo tốc độ truy cập và việc truy cập được thuận tiện, dễ dàng; xây dựng thư viện cơ quan dùng cho mục đích cung cấp thông tin, tài liệu nghiên cứu, do đó cần điều chỉnh việc tổ chức sắp xếp thư viện cho phù hợp hơn, và bố trí không gian để việc khai thác thông tin kết quả hợp tác quốc tế có thể thực hiện một cách thuận lợi.
Tóm lại, với những phân tích về tồn tại, bất cập từ thực tiễn cũng như những giải pháp cụ thể nêu trên, tác giả hi vọng có thể đóng góp một phần để đổi mới công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ theo hướng hiệu quả hơn./.
Ths. Lưu Thị Ngọc Vân
Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Các báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Báo cáo 20 năm hợp tác phát triển giữa Thanh tra Chính phủ và các nhà tài trợ, năm 2013; Báo cáo 10 năm hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, giai đoạn 2005-2015; Báo cáo tổng kết 10 năm hội nhập kinh tế và mở rộng hợp tác quốc tế; Báo cáo tổng kết 20 năm hợp tác ASEAN; Báo cáo công tác đối ngoại của Thanh tra Chính phủ từ năm 2010 đến 2020;
2. Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của Thanh tra Chính phủ (Ban hành kèm theo Quyết định số 1539/QĐ-TTCP ngày 16/6/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ);
3. Nghị định số 83/2012/NĐ-CP, ngày 09/10/2012 và Nghị định 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
4. Các Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;
5. Quyết định số 229/QĐ-TTCP ngày 14/2/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Đề án tăng cường quản lý, tuyên truyền và sử dụng kết quả đầu ra của hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ. Các Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án các năm 2014, 2015, 2016 và 2017.