(ThanhtraHatinh) - Tại Điều 135, Luật Đất đai năm 2003 quy định, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp không tự hoà giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Ảnh minh họa
1. Những căn cứ pháp luật:
Luật Đất đai năm 2003, tại Điều 135, Khoản 2 đã quy định: “ tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp. UBND nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai. Thời gian hòa giải là ba mươi ngày làm việc kề từ ngày UBND xã, phường, thị trấn nhận được đơn. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hòa giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND xã, phường, thị trấn chuyễn kết quả hòa giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề giải quyết theo quy định về quản lý đất đai”
Hướng dẫn thi hành quy định của Luật đất đai năm 2003, Nghị định số 181/2004/NĐ - CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, tại Điều 159 đã nêu rõ:
"2. Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường,thị trấn nơi có tranh chấp để hòa giải.Việc hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và xác nhận hòa giải thành hoặc không thành của UBND xã, phường Thị trấn . Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp.
3. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới,chủ sử dụng đất thì UBND xã, phường, thị trấn gửi biên bản hòa giải đến phòng Tài nguyên và Môi trường, đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác .
Phòng Tài Nguyên và Môi trường; Sở Tài Nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp quyết định việc công nhận thay đổi ranh giới thữa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”
2. Một số nhận xét đối với việc hòa giải tranh chấp đất đai của UBND xã, phường, thị trấn :
Hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã là một thủ tục có tính chất pháp lý bắt buộc. Đây có thể được coi như là một giai đoạn tiền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân hoặc của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. tính chất pháp lý bắt buộc của hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện nói trên thể hiện tập trung ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất là hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã là một trong những điều kiện để cơ quan nhà nươc có thẩm quyền thụ lý, xem xét giải quyết tranh chấp đất đai
Thứ hai là giá trị pháp lý của hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện biểu hiện ở chỗ cơ quan nhà nước có thẩm quyền có sự cộng nhận đối với kết quả hòa giải tranh chấp.Trong đó điểm đặc biệt là pháp luật đất đai đã quy định đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì UBND xã, phường, thị trấn gửi biên bản hòa giải đến phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan này trình UBND cùng cấp quyết định việc công nhận thay đổi ranh giới thữa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”
Những đặc trưng đó của hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện cho thấy sự khác biệt căn bản giữa hình thức hòa giải này với các loại hình tự hòa giải và hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai - vốn các hình thức hòa giải thuần túy trong nội bộ cộng dồng dân cư, không có bất cứ một sự can thiệp nào từ phía Nhà nước .
Chính vì sự khác biệt rõ nét giữa hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện với các hình thực hòa giải tranh chấp đất đai khác, nên theo quy định của pháp luật, việc hòa giải tranh chấp đất đai này phải được tiến hành một trình tự thủ tục tương đối chặt chẽ cụ thể là: phải đảm bảo thời gian hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ khi UBND cấp xã nhận được đơn; việc hòa giải phải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và xác nhận hòa giải thành hoặc không thành của UBNDcấp xã .Và biên bản hòa giải này được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên cần phải nhận mạnh rằng, việc hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện không phải là việc giải quyết tranh chấp đất đai của các cơ quan có thẩm quyền. Ở đây cấp xã không phải là một cấp giải quyết tranh chấp đất đai, mà chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải, giúp đỡ, hướng dẫn các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, xử lý giải quyết ổn thỏa tranh chấp. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật chỉ thuộc về Tòa án nhân dân hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền trên cấp xã. Bên cạnh đó, pháp luật về đất đai, một mặt xác định trách nhiệm chủ yếu của UBND cấp xã trong hoạt động hòa giải, trong tranh chấp đất đai, mặt khác cũng đã yêu cầu “UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trậnTổ quốcViệt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai”. Điều này khẳng định vài trò không nhỏ của các tổ chức xã hội trong hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã thực hiện; đồng thời thấy được tính rõ nét của tính xã hội, tính tự nguyện - là đặc điểm cơ bản của hòa giải - trong hoạt động này. Do đó cần tránh khuynh hướng coi hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã như là một cấp giải quyết tranh chấp, để từ đó coi nhẹ trách nhiệm của các cơ quan nhà nươc có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai,củng như khiến cho việc hòa giải đó không đạt hiệu quả như mong muốn.
3. Giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã :
-Để tăng cường chất lượng hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã, cần lưu ý thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhất là kiến thức pháp luật về đất đai, về hòa giải... cho cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn để họ làm tốt công tác tham mưu cho UBND cấp xã trong quản lý đất đai nói chung, hòa giải tranh chấp đất đai nói riêng.
Hai là phải chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai. UBND cấp xã nên xây dựng và hình thành cơ chế phối hợp có hiệu quả với các tổ chức này để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng hòa giải tranh chấp đất đai.
Ba là về mặt phương pháp, cần chú ý đề cao biện pháp hướng dẫn, thuyết phục cũng như các cách thức, phương pháp khác của hoat động hòa giải, trong hòa giải tranh chấp đất đai. Cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa tác dụng của của hòa giải tranh chấp đất đai để loại trừ quan điểm áp dụng biện pháp hành chính máy móc trong hòa giải tranh chấp đất đai, củng như coi hoạt động này như là hình thức “ có làm cho xong”. Chỉ có như vậy hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã mới đạt được hiệu quả chất lượng cao trong thực tế./.