Ngày 23/02/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo số 262/TB-TTCP về kết quả kiểm tra, rà soát lại vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi. Theo đó, nội dung khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở để giải quyết; việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn chưa chính xác, thiếu khách quan.
Ngày 23/02/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo số 262/TB-TTCP về kết quả kiểm tra, rà soát lại vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi. Theo đó, nội dung khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở để giải quyết; việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn chưa chính xác, thiếu khách quan.
Như vậy, ông Lợi mất 32 năm đi khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng, song TTCP chỉ mất 15 ngày giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân. Vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Giải quyết quyền lợi cho công dân sau 32 năm khiếu nại
Theo hồ sơ vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Lợi sinh ngày 10/6/1953, quê quán Tứ Xã, Lâm Thao, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Ông Lợi nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Uỷ ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hoá lớp 10 ở Vĩnh Phú.
Sau khi tốt nghiệp cấp III, Ban Tuyển sinh - Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú đã phê duyệt cho ông Lợi đi học. Đồng thời, Uỷ ban Thống nhất của Chính phủ có quyết định điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên - sau đây gọi chung là Trường). Ông được công nhận tốt nghiệp vào năm 1988 nhưng do việc bàn giao hồ sơ của Trường với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng nên ông không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật.
Từ năm 1990 đến năm 2019, ông Lợi đã có đơn gửi Trường và nhiều cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Sở Y tế Vĩnh Phú, Sở Y tế Phú Thọ, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao. Mặc dù, đã được Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ có ý kiến chỉ đạo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thoả đáng. Do đó, ông Lợi tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ khiếu nại và kiến nghị.
Vụ việc sau đó được giao cho TTCP, do Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm phụ trách và Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III) tiến hành rà soát, kiểm tra; Thanh tra viên (TTV) cao cấp Nguyễn Mạnh Cường làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra.
Từ kết quả kiểm tra, rà soát, TTCP kết luận, các nội dung khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở giải quyết. Theo TTCP, việc để xảy ra khiếu nại và việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.
Trên cơ sở đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khôi phục và bàn giao cho ông Lợi giấy tờ, tài liệu, hồ sơ có liên quan để ông thực hiện các thủ tục hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đền bù thiệt hại cho ông Lợi do bị mất thu nhập chính đáng từ năm được công nhận tốt nghiệp đến thời điểm nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo diễn biến mức lương ngạch bậc công chức, viên chức được quy định tại các Nghị định của Chính phủ theo từng giai đoạn và thu nhập khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức kỷ luật theo quy định. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý với những kiến nghị của TTCP.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổ trưởng Tổ kiểm tra (ảnh phải) cùng ông Nguyễn Ngọc Lợi. Ảnh: P.V
Tôn trọng sự thật khách quan trong giải quyết khiếu nại
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra về vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi, ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổ trưởng Tổ kiểm tra cho biết, đây là vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua nhiều cấp giải quyết nhưng không phải vụ việc quá khó, vì sự thật khách quan luôn tồn tại, không có vụ việc nào là khó khăn, đến mức không giải quyết được. Quan trọng là người chỉ đạo và người giải quyết vụ việc đó xử lý như thế nào.
Theo ông Cường, trong giải quyết khiếu nại của người dân, đầu tiên phải có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, nhằm định hướng những vấn đề mấu chốt để giải quyết vụ việc đúng pháp luật. Sau đó cán bộ giải quyết vụ việc cần tôn trọng sự thật khách quan, quá trình giải quyết phải ghi nhận tình tiết thực tế đã và đang tồn tại, áp dụng đúng pháp luật - không bị chi phối bởi các quan hệ khác.
“Thực ra cán bộ giải quyết KNTC có thái độ và đặt quyết tâm làm không, có muốn giải quyết dứt điểm vụ việc không và lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo vụ việc có sát sao hay không. Còn việc giải quyết nhanh hay chậm phụ thuộc vào năng lực cá nhân của người giải quyết”, ông Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ. Vụ việc của ông Lợi là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này: Tại sao nhiều cơ quan đã giải quyết nhưng ông Lợi không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại, tiếp tục khiếu nại kéo dài đến cơ quan Trung ương và TTCP lại giải quyết dứt điểm được vụ việc trong 15 ngày, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người khiếu nại, được các cơ quan liên quan và xã hội đồng tình, ủng hộ.
Kinh nghiệm rút ra
Qua vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi nói riêng và một số vụ KNTC phức tạp, kéo dài đã giải quyết nói chung, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong giải quyết KNTC phức tạp, kéo dài như sau:
Thứ nhất, việc khảo sát, nắm tình hình, đọc hồ sơ, nghiên cứu tài liệu có vai trò rất quan trọng. Nếu khảo sát, nghiên cứu hồ sơ kỹ, chắc chắn có thể nắm chắc được gần 50% nội dung vụ việc. Việc khảo sát phải tìm ra được những vấn đề mấu chốt cần giải quyết, tránh được tình trạng khi bắt tay vào giải quyết vụ việc mới đi “dò tìm”; phải xác định rõ được tài liệu cần bổ sung, xác minh thêm. Từ đó, xác định ngay những cơ quan, đơn vị nào cần phải đến kiểm tra xác minh trực tiếp để có kế hoạch làm việc cụ thể từng ngày. Đây là năng lực cá nhân cần phải được đào tạo và tích lũy từ thực tiễn. Trong đó, cần chú ý về mặt phương pháp luận, mỗi lĩnh vực thanh tra, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng đều có phương pháp luận giải quyết, xử lý vụ việc khác nhau, vì vậy nội dung thuộc lĩnh vực nào cần áp dụng phương pháp luận ở lĩnh vực đó để giải quyết mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Thứ hai, căn cứ kế hoạch làm việc đã được xây dựng sau khi khảo sát, cần lập yêu cầu cung cấp tài liệu và đề cương chi tiết, cụ thể kèm theo khi gửi Quyết định giải quyết khiếu nại cho từng đối tượng để khi tiến hành thủ tục công bố Quyết định, tất cả các bên liên quan đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu. Việc này sẽ loại bỏ được các lý do chủ quan, hoặc các cản trở khách quan về cung cấp tài liệu, rút ngắn được rất nhiều thời gian giải quyết.
Thứ ba, cần có phương pháp giải quyết vụ việc khoa học, bài bản, không nên chỉ làm theo kinh nghiệm, lối mòn. Trong giải quyết KNTC cần đặc biệt lưu ý phương pháp đóng vai, nghĩa là đặt người giải quyết vào từng người, từng cơ quan đã giải quyết chứ không riêng chỉ đóng vai người KNTC. Qua đó, sẽ đánh giá thái độ, phản ứng của từng bên, từ đó tìm ra bản chất vấn đề và cách thức xử lý khách quan.
Đối với các vụ việc KNTC kéo dài, phức tạp phải triệt để tuân thủ nguyên tắc khách quan và lịch sử - cụ thể vì vụ việc đã được các cấp, các cơ quan khác giải quyết rồi và họ đều có lý của họ. Nếu mình giải quyết và kết luận thay đổi nội dung đã giải quyết thì phải làm rất khách quan, nếu không thì các cơ quan đó sẽ phản bác. Vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi là vụ việc phải đặc biệt chú ý đến nguyên tắc lịch sử - cụ thể vì vụ việc đã được xử lý qua nhiều giai đoạn từ sau giải phóng Miền nam đến nay, nếu chung chung sẽ có sai lầm.
Trong vụ việc này, nhiều cấp giải quyết mắc một sai lầm cơ bản và lặp lại là đều nêu lý do vụ việc không có tình tiết mới, ông Lợi không cung cấp được hồ sơ tài liệu gì khác nên không giải quyết. Trong khi đã có sai sót, vi phạm ngay từ những khâu đầu tiên nên không có tình tiết mới, không cần tình tiết mới thì bản chất vụ việc đã sai ngay từ đầu. Hai là, việc chứng minh hành vi vi phạm thuộc về cơ quan giải quyết KNTC, không phải trách nhiệm của người KNTC, trong đó việc kiểm tra xác minh để tìm ra sự thật khách quan là nghĩa vụ của người giải quyết KNTC đã được luật quy định cần phải được tiến hành triệt để.
TTCP giải quyết khiếu nại của ông Lợi trong thời gian 15 ngày nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, khách quan, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của ông. Đây có thể coi là một “án lệ” để không chỉ TTCP mà ngành Thanh tra giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc còn lại theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của TTCP một cách nhanh chóng, chính xác, khách quan./.