Tố cáo nặc danh là khái niệm vẫn thường được dùng để chỉ việc tố cáo mà trong đơn, thư tố cáo không có tên người tố cáo. Pháp luật đã có những quy định về tố cáo nặc danh và hướng xử lý đối với vấn đề này.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn có những quan điểm khác nhau về biện pháp xử lý đối với đơn, thư tố cáo nặc danh. Khi thảo luận về Dự thảo Luật Tố cáo, đây cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi và có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Vậy nên nhìn nhận tố cáo nặc danh như thế nào và xử lý vấn đề này ra sao trong cuộc đấu tranh chống tội phạm nói riêng và phòng, chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam. Bài viết này xin đưa ra một quan điểm về xử lý tố cáo nặc danh trong giai đoạn hiện nay.
Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại không công nhận về mặt nguyên tắc tố cáo nặc danh. Chúng ta có quy định rất rõ để điều kiện để đơn, thư tố cáo của công dân được tiếp nhận và xử lý trong đó người tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của mình một cách rõ ràng được coi là điều kiện tiên quyết của quá trình thụ lý và xử lý đơn của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, chúng ta cũng có quy định cá biệt đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo (tố cáo nặc danh) nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng (Khoản 4, Điều 42 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP).
Về mặt nguyên tắc, pháp luật đã xác định rõ trách nhiệm xem xét đơn, thư tố cáo nặc danh, tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế lại có những vướng mắc nhất định dẫn đến những quan điểm khác nhau và chưa thống nhất về vấn đề tố cáo nặc danh cũng như xử lý tố cáo nặc danh. Có thể tổng hợp hai nhóm quan điểm cơ bản như sau:
Một là, nhóm quan điểm đồng thuận với quy định tại Khoản 4, Điều 42 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP. Quan điểm này cho rằng nên xem xét những đơn, thư tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng, có bằng chứng có thể thẩm tra, xác minh. Xuất phát từ quan điểm cho rằng, cơ chế hiện nay của chúng ta dẫn đến tình trạng rất ít người đủ dũng cảm để đương đầu với tham nhũng trong chính cơ quan mình, từ thực tế rất nhiều quyền lợi của người tố cáo bị ảnh hưởng trong khi đúng, sai còn chưa được cơ quan chức năng làm rõ. Do vậy, với tâm lý lo ngại bị trù dập, đe doạ, trả thù đối với nguồn tin tố giác tham nhũng, đa phần người đi tố cáo tham nhũng sẽ chọn giải pháp giấu tên. Vì vậy, cần phải đa dạng hoá cách thức tố giác tham nhũng, trong đó có việc xem xét đơn, thư nặc danh, đặc biệt với những đơn, thư nặc danh có cơ sở. Không nên cho tố cáo nặc danh là yếu tố phá hoại.
Lập luận khác cho quan điểm này đó là, tố cáo có bản chất là cung cấp thông tin giống như tin báo tội phạm, nên không cần câu nệ về chuyện nặc danh hay không nặc danh mà cần xem đó là một nguồn cung cấp thông tin. Khi cơ quan chức năng được cung cấp thông tin và có chứng cứ để xác minh nguồn thông tin đó thì phải có trách nhiệm xử lý, xem xét và giải quyết. Việc không quy định giải quyết loại tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót, không xử lý những hành vi vi phạm bị tố giác.
Hai là, nhóm quan điểm không ủng hộ việc luật hoá tố cáo nặc danh. Quan điểm này cho rằng không nên giải quyết đối với đơn thư tố cáo nặc danh. Vì thực tế thời gian vừa qua cho thấy phần lớn đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung không đúng sự thật. Phản bác lại quan điểm cần xem xét tố cáo nặc danh, quan điểm này cho rằng với con số thống kê trích từ nguồn báo cáo của Chính phủ về tình hình giải quyết tố cáo thời gian qua, tính riêng tố cáo có danh cũng có tới gần 59% số đơn thư tố cáo nhận được, tỉ lệ này là quá cao vào nếu như chấp nhận xem xét cả đơn, thư tố cáo nặc danh thì số đơn tố cáo sai sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa.
Một lý do khác nữa được đưa ra để phản đối việc luật hoá tố cáo nặc danh xuất phát từ một thực tế đó là tố cáo nặc danh thường được sử dụng để uy hiếp cá nhân, cơ quan, gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan do cá nhân tố cáo sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trên thực tế, số lượng các tố cáo nặc danh thường tăng vào thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Do vậy, trước mắt, Luật cần khẳng định chỉ xem xét giải quyết nội dung các tố cáo trong trường hợp người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ. Bởi cá nhân có quyền tố cáo, thì cũng phải có trách nhiệm bảo đảm sự chính xác của nội dung tố cáo. Mặc khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tại các Điều 337 (khoản 2) và Điều 100, Điều 103 thì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được xem là tin báo tội phạm, một nguồn tin để xác minh hành vi vi phạm. Do vậy, chúng ta không cần luật hoá tố cáo nặc danh, tránh làm rối thêm quá trình giải quyết tố cáo đã phức tạp hiện nay.
Ba là, nhóm quan điểm ủng hộ việc luật hoá tố cáo nặc danh để thuận tiện cho việc xử lý. Quan điểm này cho rằng đơn, thư nặc danh có thể là vàng và cần phải luật hoá để “đãi cát tìm vàng”.
Quan điểm này xuất phát từ thực tế, đơn thư nặc danh đã tồn tại từ rất lâu đời, hiện tại vẫn đang và vẫn sẽ còn tiếp diễn, nhất là trong thời đại thông tin phong phú, đa chiều kết hợp với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông phổ biến như điện thoại, Internet... Vấn đề là nhìn nhận nó như thế nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất để vừa phát huy được ưu điểm của tố cáo nặc danh vừa hạn chế được những điểm bất cập của loại hình cung cấp thông tin này.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc luật hoá tố cáo nặc danh là hợp lý và cần thiết vì những lý do sau:
Thứ nhất là, nếu chúng ta không thừa nhận tố cáo nặc danh và tạo ra một khuôn khổ pháp lý với loại hình cung cấp thông tin này, vô hình chung, chúng ta đã loại trừ một kênh thông tin rất có giá trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong bối cảnh nền thể chế nói chung của chúng ta và hệ thống pháp luật về bảo vệ người tố cáo hay bảo vệ nhân chứng nói riêng chưa được hoàn thiện, việc thực thi pháp luật hiện còn nhiều vấn đề cần phải bàn thì việc loại bỏ tố cáo nặc danh đồng nghĩa với việc bỏ đi một công cụ, phương tiện hữu hiệu để phòng ngừa tội phạm.
Thứ hai là, nếu như chúng ta xác định về mặt nguyên tắc không xem xét tố cáo nặc danh nhưng với những đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng, có bằng chứng cụ thể để thẩm tra xác minh thì là một sự khiên cưỡng của luật pháp. Quy định này có vẻ dung hoà giữa quan điểm phản đối và ủng hộ việc luật hoá tố cáo nặc danh và sẽ giải toả được những tranh luận vốn khá gay gắt về vấn đề này. Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, quy định này như trên đã nói là một sự khiên cưỡng, về mặt thực tế, những quy định kiểu này rất khó thực hiện và khó cho cả các cơ quan quản lý trong việc xử lý trách nhiệm cán bộ thực thi bởi việc thực hiện tuỳ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của công chức mà thực tế đây vốn là những tiêu chí rất khó để đánh giá.
Với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc không xử lý những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ tên và địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể được dự thảo tại (Mục 4, Chương III), đây là vấn đề hết sức tế nhị mà cũng là nguyên nhân sâu xa để tham nhũng tồn tại. Pháp luật hiện hành quy định không xử lý các đơn thư tố cáo nặc danh nên đây cũng là kẽ hở để những “ông quan tham nhũng” dựa vào để tránh đi việc phải xử lý những người thuộc quyền của họ vì nếu xử lý những người thuộc quyền của họ sẽ liên can đến họ. Việc thừa nhận tố cáo nặc danh trong Luật Phòng, chống tham nhũng còn nhằm các mục đích sau:
- Là căn cứ pháp lý để có thể bảo vệ an toàn cho những người cung cấp tin tố cáo tham nhũng;
- Là cơ sở buộc người đứng đầu phải xử lý những hành vi tham nhũng có thật xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình và phải chịu trách nhiệm đã để xảy ra tình trạng đó. Qua đó ngăn ngừa được những hiện tượng bao che của cấp trên cho cấp dưới (nếu có).
Trên thực tế, không thể phủ nhận những mặt trái của việc công nhận tố cáo nặc danh và đưa vào diện là loại thông tin phải xem xét như quan điểm thứ hai đã đưa ra. Vấn đề là chúng ta cần hết sức tỉnh táo và cân nhắc đến những lá thư nặc danh có thể gây hậu quả đáng tiếc cho uy tín của một số người, phức tạp hơn là gây hoang mang, rắc rối thêm tình hình xã hội. Cần tiếp cận vấn đề từ góc độ chức trách của cán bộ, công chức, của cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Nếu pháp luật chỉ dừng lại ở việc quy định rõ ràng về tên, địa chỉ đối với đơn thư tố cáo chỉ thuận lợi cho các cơ quan chức năng giải quyết chứ không thuận lợi cho người tố cáo. Bởi với những đơn tố cáo này, danh tính của người tố cáo đã được thể hiện rõ, nội dung tố cáo cũng khá rõ ràng. Cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ việc làm một công việc khá đơn giản là đi xác minh xem nội dung tố cáo có đúng hay không? Có điểm nào đúng, điểm nào sai, điểm nào là tố cáo thật, điểm nào là vu khống… Với quyền lực công được nắm trong tay và rất nhiều công cụ khác nữa, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể thực hiện công việc này và đi đến kết luận rất dễ dàng. Tuy nhiên, đằng sau những thuận lợi của cơ quan chức năng lại là những điểm bất lợi đối với người đi tố cáo. Danh tính của họ sau khi đã cung cấp cho cơ quan chức năng đôi khi vì những lý do nào đó không được giữ bí mật, hay thậm chí nghiêm trọng hơn, đơn tố cáo của họ sau rất nhiều lần luân chuyển đã nằm trong tay chính cá nhân bị họ tố cáo. Hậu quả xảy ra đối với người tố cáo trong những trường hợp này rất nghiêm trọng. Những trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trù dập, đe doạ thậm chí đánh đập đã không còn là hiếm gặp trên thực tế.
Vì vậy, theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, để kiểm soát và giải quyết vừa có tình, vừa có lý đối với các loại đơn thư mang tính chất nặc danh thì cần phải đưa thư nặc danh vào Luật. Nếu có chứng cứ cụ thể, đáng tin cậy thì cần tiến hành điều tra, làm rõ và có những cơ sở pháp lý để bảo vệ cho người tố cáo. Ngược lại, trường hợp thư nặc danh không đúng sự thực, có dụng ý xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức hay xã hội thì cần điều tra làm rõ để giải toả thắc mắc. Người bị tố cáo sẽ được thanh minh, đồng thời có những thông tin rõ ràng để giải tỏa dư luận. Nếu tố cáo nặc danh được luật hoá, các cơ quan chức năng sẽ vất vả hơn trong việc nghiên cứu hồ sơ, nhận định và phân loại tố cáo nặc danh trước khi tiến hành thẩm tra, xác minh nhưng chúng ta có một hệ thống các cơ quan có chức năng giải quyết tố cáo với nhiều quyền lực và công cụ trong tay nên thiết nghĩ sẽ không quá khó và quá vất vả để thực thi nhiệm vụ này. Mặt khác, với việc thừa nhận tố cáo nặc danh, trách nhiệm của cán bộ, công chức và các cơ quan chức năng trong xem xét, xử lý tố cáo cũng sẽ được nâng lên bởi họ không thể lấy lý do Thư nặc danh không có cơ sở để tiến hành điều tra để “vứt những lá thư nặc danh chân chính vào cùng những lá thư nặc danh khác”. Và trước khi đưa ra quyết định “tin hay không tin” vào những thông tin mà thư nặc danh cung cấp, những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng phải đặt câu hỏi thông qua phân tích nội dung thư nặc danh về tính chân thực của những thông tin đó. Tất nhiên, điều này có thể khó nhưng không phải không làm được.
Hơn nữa, việc thừa nhận tố cáo nặc danh còn là một cách thức bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ nhân chứng nói riêng hữu hiệu nhất trong điều kiện cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta chưa được hoàn thiện và các quy định hiện hành thì chưa phát huy hiệu quả, luật pháp về bảo vệ nhân chứng ở nước ta cũng chưa được quy định rõ ràng và chưa có một đạo luật riêng về vấn đề này.