Trước hết, Báo Thanh tra xin gửi tới Phó Thủ tướng lời chào trân trọng nhất. Thưa Phó Thủ tướng, đồng chí đánh giá thế nào về kết quả công tác của ngành Thanh tra năm qua trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN)?
Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo hoạt động của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình coi Báo Thanh tra là một kênh cung cấp thông tin chính thức, quan trọng. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đang đọc Báo Thanh tra số 97, ra ngày 2/12/2016. Ảnh (chụp ngày 21/12/2016): Lê Hồng Sơn
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình: Trong năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Thanh tra đã quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thanh tra Chính phủ đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN, xây dựng ngành Thanh tra, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương hành chính, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác thanh tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện nhiều vi phạm trên các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý tài chính, ngân sách, thuế, bảo hiểm, ngân hàng… Năm 2016, toàn ngành đã triển khai 6.586 cuộc thanh tra hành chính và 252.592 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 59.403 tỷ đồng, 4.000ha đất; đã kiến nghị thu hồi 37.957 tỷ đồng, 1.261ha đất, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 21.446 tỷ đồng, 2.735ha đất; ban hành 162.894 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.763 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 90 vụ việc, 138 đối tượng.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và lợi ích của Nhà nước, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhất là thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV, bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ngành đã giúp cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp 273.094 lượt công dân (3.650 đoàn đông người); tiếp nhận, xử lý 177.606 đơn thư; tham mưu giải quyết 17.100 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại cho công dân 60 tỷ đồng, 28ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.004 người, kiến nghị xử lý hành chính 440 người…
Công tác PCTN tiếp tục được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp phòng ngừa; công tác xây dựng ngành Thanh tra được quan tâm; tổ chức bộ máy thanh tra từng bước được củng cố, kiện toàn; năng lực của cán bộ, công chức thanh tra tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế mà ngành Thanh tra cần chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Một số cuộc thanh tra tiến độ thực hiện còn chậm, chất lượng còn hạn chế, kiến nghị xử lý chưa đủ mạnh, kết quả xử lý sau thanh tra chưa cao. Tỉ lệ các vụ việc khiếu nại được giải quyết dứt điểm còn thấp, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn phức tạp. Công tác PCTN kết quả còn khiêm tốn, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Đây là những thách thức lớn đòi hỏi ngành Thanh tra và các cấp, các ngành liên quan phải đề xuất các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy lùi tệ nạn này.
+ Phóng viên: Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN và việc trình Chính phủ dự thảo Luật PCTN (sửa đổi)?
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình: Việc ban hành và thực hiện Luật PCTN năm 2005 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân về tác hại của tệ nạn tham nhũng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PCTN đạt được những kết quả tích cực, có những chuyển biến đáng ghi nhận trên mọi mặt.
Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng có chuyển biến rõ rệt; vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí trong PCTN được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, các sáng kiến PCTN của cộng đồng được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện… góp phần quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã hội và mỗi người dân trong PCTN.
Trong 10 năm thực hiện Luật PCTN, ngành Thanh tra đã phát hiện 670 vụ với trên 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan trên 1 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác PCTN hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác PCTN; quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp PCTN đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật PCTN; tiếp tục thực hiện các giải pháp PCTN trong Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI); gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Kịp thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và căn cứ tình hình thực tế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá X), Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu toàn diện những hạn chế, vướng mắc về chính sách, pháp luật PCTN để xây dựng, sửa đổi toàn diện Luật PCTN trình Quốc hội trong thời gian tới.
+ Phóng viên: Là người có nhiều năm hoạt động và nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan tư pháp, với những kinh nghiệm, vốn quý tích lũy được, Phó Thủ tướng có chỉ đạo và định hướng gì cho ngành Thanh tra trong thời gian tới?
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình: Với truyền thống 71 năm xây dựng và trưởng thành, toàn ngành Thanh tra cần phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để công tác thanh tra đạt hiệu quả ngày càng cao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với tinh thần đó, ngành Thanh tra cần đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp để tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện. Để làm được điều đó, ngành Thanh tra phải tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao chất lượng và trình độ, phẩm chất, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần chủ động, kịp thời tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.
Trong công tác xây dựng nội bộ, ngành Thanh tra phải tập trung khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI; triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030.
Để giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, tôi lưu ý ngành Thanh tra, cùng các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương cần phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường giải thích pháp luật cho người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định; quá trình giải quyết, kết luận về khiếu nại, tố cáo phải xem xét kỹ nội dung, giải quyết thấu tình, đạt lý, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo công bằng, đúng pháp luật. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo phải rút ra được các nguyên nhân dẫn đến khiếu nại đông người, bức xúc kéo dài, rút ra các bài học kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời qua đó kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương về công tác PCTN, nhất là với các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và thành viên các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn; kiến nghị các Ủy ban của Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác PCTN nhằm tạo sự chuyển biến về tình hình và kết quả trong công tác này.
Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu 2017, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Thanh tra. Tôi mong rằng mọi cán bộ, cấp ngành Thanh tra luôn thể hiện được phẩm chất “liêm khiết, chí công vô tư” và “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa. Ngành Thanh tra tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cùng với các cấp, ngành của cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
LTT - Theo Thanhtra.com.vn