Thuật ngữ phản ánh, kiến nghị là hai thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật. Trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được sử dụng để xếp và phân loại thành các dạng khác nhau (để tiếp và giải quyết) nhằm phân biệt với khiếu nại, tố cáo (đơn kiến nghị, đơn phản ánh, đơn khiếu nại, đơn tố cáo…).
Thuật ngữ phản ánh, kiến nghị là hai thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật. Trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được sử dụng để xếp và phân loại thành các dạng khác nhau (để tiếp và giải quyết) nhằm phân biệt với khiếu nại, tố cáo (đơn kiến nghị, đơn phản ánh, đơn khiếu nại, đơn tố cáo…).
Thực tiễn cho thấy, việc phân loại đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo thường có sự nhầm lẫn với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc quan niệm và phân biệt giữa kiến nghị, phản ánh và tố cáo. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ở nước ta hiện nay. Vì vậy, việc phân biệt giữa kiến nghị, phản ánh với tố cáo nói chung, và phân biệt giữa phản ánh hành vi vi phạm pháp luật với tố cáo nói riêng sẽ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
1. Quan niệm về phản ánh, kiến nghị
- Dưới phương diện xã hội: kiến nghị, phản ánh được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu, đưa ra hoặc trình bày ý kiến, quan điểm, suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà họ quan tâm với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý hoặc điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, đúng đắn hơn. Theo Từ điển Tiếng Việt, “kiến nghị” là “nêu ý kiến đề nghị về một việc chung với cơ quan có thẩm quyền”; “phản ánh” là “trình bày với người, với cấp có trách nhiệm những vấn đề thực hiện đáng quan tâm nào đó”, “tái hiện những đặc trưng, thuộc tính, quan hệ của một đối tượng nào đó”. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, thì “kiến nghị” là “nêu ý kiến về một vấn đề, một công việc để cơ quan có thẩm quyền xem xét, tìm ra giải pháp xử lý đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước”.
- Dưới góc độ khoa học pháp lý: chưa có khái niệm chung thống nhất về kiến nghị, phản ánh.
Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ, Khoản 4 Điều 3 quy định “Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác”; Cũng tại Điều 3, Khoản 5 quy định “Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân”.
Quy định trên cho thấy, phạm vi kiến nghị, phản ánh chỉ bao gồm: “những vấn đề liên quan đến quy định hành chính”. Giữa kiến nghị và phản ánh có điểm giống và khác nhau. Điểm giống giữa phản ánh và kiến nghị là: “việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính”. Và điểm khác nằm ở chỗ kiến nghị là phản ánh nhưng có thêm phần “đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân”.
Theo Luật Tiếp công dân năm 2013, không có sự phân biệt giữa kiến nghị và phản ánh. Khoản 2 Điều 2 quy định: “kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó”.
So với khái niệm phản ánh, kiến nghị quy định trong Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008, phản ánh, kiến nghị trong Luật Tiếp công dân có phạm vi rộng hơn, đó là “những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân” mà công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Điểm giới hạn của khái niệm kiến nghị, phản ánh trong Luật Tiếp công dân là chủ thể và khách thể. Chủ thể của phản ánh, kiến nghị chỉ là “công dân”. Về khách thể, mặc dù có phạm vi rộng hơn so với Nghị định số 20/2008/NĐ-CP, nhưng vẫn chỉ giới hạn ở “những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân” mà công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó chứ không phải mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù không đưa ra khái niệm, định nghĩa cụ thể, nhưng nghiên cứu những quy định cụ thể của điều luật trong những đạo luật chuyên ngành, có thể hiểu kiến nghị là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa ra những ý kiến, quan điểm, lập luận và đề nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền (thường là đồng cấp, ngang cấp hoặc cấp trên người kiến nghị) làm, không làm hoặc không được làm một việc gì đó trong phạm vi chức trách được pháp luật quy định. Cơ quan, cá nhân nhận được kiến nghị có trách nhiệm giải quyết, trả lời cơ quan, người kiến nghị bằng văn bản.
Ví dụ 1, khoản 2, Điều 32 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ là “xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại”.
Ví dụ 2, khoản 2, Điều 19 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về quyền hạn của Tổng Thanh chính phủ là “d) Kiến nghị Bộ trưởng tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ; đ) Kiến nghị Bộ trưởng giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ; e) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra”.
Trong cơ quan nhà nước thuật ngữ kiến nghị thường được sử dụng trong các văn bản luật, để nói đến quyền năng của một chủ thể nào đó trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định đã phát hiện ra những hành vi chưa đúng, chưa phù hợp, có biểu hiện vi phạm pháp luật; và cho rằng hành vi đó cần phải được khắc phục và bị xử lý.
Ví dụ 1, khoản 1, Điều 48 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra là “g) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra nhà nước hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra; h) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra”.
Ví dụ 2, Điều 11 Luật Thanh tra năm 2010 trong quy định về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức hữu quan cũng quy định:“2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Công an, Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó. 3. Cơ quan, tổ chức hữu quan khác khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có trách nhiệm thực hiện và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó”.
Trong quan hệ công tác của cơ quan nhà nước, kiến nghị được hiểu là việc cơ quan, tổ chức cá nhân thông báo, phản ánh sự việc của cơ quan, tổ chức đã không thực hiện các yêu cầu, kết luận của mình mà theo quy định cá nhân, cơ quan đó phải làm đến cơ quan, tổ chức cấp trên của người đó để xem xét, quyết định.
Ví dụ, khoản 1, Điều 20 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”.
Trong sinh hoạt đời sống xã hội, kiến nghị còn được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức phát hiện những hành vi, việc làm không đúng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người kiến nghị.
Ví dụ: khoản 4, Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 quy định “c) Trường hợp người sử dụng đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định…”.
- Dưới góc độ quyền con người: phản ánh, kiến nghị được hiểu là một quyền con người phái sinh từ các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt quan điểm của công dân.
Như vậy, kiến nghị, phản ánh là những khái niệm có nội hàm rộng, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Để làm rõ thêm về phản ánh, kiến nghị chúng ta cần phân loại kiến nghị, phản ánh; đồng thời phân biệt sự khác nhau giữa kiến nghị với phản ánh, phân biệt giữa kiến nghị, phản ánh với tố cáo.
2. Phân loại kiến nghị, phản ánh
* Dưới góc độ khoa học pháp lý, có thể phân chia kiến nghị, phản ánh thành hai nhóm: kiến nghị, phản ánh có tính pháp lý và kiến nghị, phản ánh không có tính pháp lý.
- Kiến nghị, phản ánh không có tính pháp lý được hiểu sự phản ánh về những hành vi, việc làm, xử sự trái với quy tắc đạo đức (vô đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, phản cảm); vi phạm quy tắc, quy chế, quy định hay điều lệ của tập thể, tổ chức (chính trị, chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp), đơn vị; năng lực quản lý và điều hành yếu kém của người điều hành, nhà quản lý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chất lượng và hiệu quả công việc; hoặc các hiện tượng xã hội khác (thiên tai, địch họa…).
- Kiến nghị, phản ánh có tính pháp lý được hiểu là phản ánh về những hành vi, việc làm vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và dạng khách thể bị vi phạm, có thể phân chia kiến nghị, phản ánh thành các dạng khác nhau như: phản ánh, kiến nghị về hành vi tội phạm; kiến nghị, phản ánh về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm hành chính; kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Kiến nghị, phản ánh về hành vi tội phạm là phản ánh, kiến nghị về những hành vi có biểu hiện vi phạm pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, phản ánh về hành vi có biểu hiện phạm tội trong hình sự gọi là tin báo tội phạm, bởi “tin báo về vụ việc hoặc dấu hiệu của tội phạm là hoạt động thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng”; kiến nghị về hành vi phạm tội trong pháp luật hình sự gọi là kiến nghị khởi tố, kiến nghị điều tra, bởi “kiến nghị khởi tố là hoạt động mang tính chất công vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm trên cơ sở tài liệu chứng cứ mà họ gửi kèm theo văn bản kiến nghị khởi tố”
+ Kiến nghị, phản ánh về hành vi tham nhũng hoặc những hành vi có biểu hiện về tham nhũng, tiêu cực, gian lận, lãng phí là việc công dân, cơ quan, tổ chức cung cấp, thông báo những thông tin về hành vi tham những, hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, gian lận, lãng phí. Phản ánh về hành vi tham nhũng trong hình sự có thể được gọi là tố giác tội phạm tham nhũng theo pháp luật hình sự, hoặc tố cáo hành vi tham nhũng theo pháp luật phòng chống tham nhũng.
+ Kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm hành chính là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức kết luận, thông báo, cung cấp các thông tin và đề nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý hành chính nhà nước. Việc thực hiện kiến nghị về hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong các đạo luật, văn bản pháp luật chuyên ngành.
* Xét về mặt chủ thể, người kiến nghị, phản ánh bao gồm: (1) kiến nghị, phản ánh của người dân; (2) phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí; (3) của các cơ quan, đơn vị nhà nước; (4) và của tập thể, tổ chức khác.
* Xét về hình thức thực hiện, phản ánh, kiến nghị được thực hiện: (1) trên các trang mạng xã hội (facebook, youtube…); (2) thông qua cơ quan báo chí (báo viết, báo hình, báo điện tử); (3) phương tiện thông tin truyền thông (điện thoại, tin nhắn, fax, thư điện tử…); (4) qua đơn thư hoặc phản ánh, kiến nghị trực tiếp của người dân, doanh nghiệp; (5) Văn bản kiến nghị của tổ chức, cơ quan nhà nước.
3. Phân biệt giữa phản ánh với kiến nghị và tố cáo
3.1. Phân biệt phản ánh với kiến nghị
Như đã phân tích ở trên, phản ánh là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu, hoặc đưa ra những thông tin phản chiếu, tái hiện lại những sự việc, hiện tượng đã hoặc đang xảy ra để cá nhân, cơ quan, tổ chức biết. Sự việc phản ánh rất đa dạng, có thể là những thông tin về một hành vi, việc làm nào đó do con người gây ra, thực hiện, cũng có thể là một hiện tượng thiên nhiên. Vấn đề này có thể là tích cực, hoặc tiêu cực (vi phạm pháp luật, đạo đức, nguyên tắc, điều lệ…). Mục đích của người phản ánh có thể rõ ràng hoặc không rõ ràng (mục đích thường là ẩn sau đối tượng được phản ánh).
Phản ánh được sử dụng rộng rãi trong mọi phương diện, nhất là phương diện xã hội. Người phản ánh có thể đưa những thông điệp mà họ muốn nói đến mọi chủ thể, thậm chí đến cả chính người được phản ánh thông qua các cách thức khác nhau về một hành vi, việc làm, cử chỉ, lời nói của một cá nhân hay sự vật, hiện tượng như một bức ảnh, một đoạn video, một bức họa châm biếm… hoặc nhại lại chính lời nói, cử chỉ, việc làm của người bị phản ánh để cho mọi người đánh giá, phán xét, bình luận, xử lý và để chính người có hành vi, việc làm, cử chỉ đó tự nhìn nhận lại chính bản thân mình.
Phản ánh không nhất thiết phải nói rõ về đối tượng được phản ánh, cũng không nhất thiết phải nói danh tính người phản ánh. Việc xác định rõ về người phản ánh và đối tượng được phản ánh thuộc về người tiếp nhận thông tin. Người tiếp nhận thông tin cũng có thể làm rõ hoặc không làm rõ về đối tượng phản ánh, người phản ánh mà điều đó thuộc về quyền của người tiếp nhận.
Kiến nghị là việc đưa ra các thông tin, thông điệp một cách rõ ràng, có căn cứ và đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phải làm rõ hoặc xử lý theo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Khác với phản ánh, kiến nghị ngoài việc nêu hoặc đưa ra những thông tin, sự việc mà người kiến nghị cho rằng nó chưa đúng, chưa phù hợp, không khả thi, có thể gây ra những hậu quả bất lợi, không bình thường nhất định cần phải có sự can thiệp, vào cuộc của cá nhân, người có thẩm quyền để xử lý, điều chỉnh, bổ sung đem lại những lợi ích chung cho xã hội, nhà nước hoặc cá nhân, người kiến nghị có những yêu cầu, đề nghị cụ thể hoặc đề xuất những biện pháp, giải pháp, cách thực hiện mà người kiến nghị cho rằng nó có lợi hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn, đúng đắn hơn.
Mục đích của phản ánh chỉ là đưa, nêu ra các thông tin về một sự việc, hay hiện tượng nào đó mà không thể hiện mục đích cụ thể. Đối với kiến nghị, người kiến nghị có mục đích và giải pháp cụ thể giúp cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục, điều chỉnh, thực hiện để cải thiện giúp cho nội dung mà người kiến nghị đưa ra được tốt hơn.
Điểm khác biệt nữa giữa kiến nghị và phản ánh là nội dung kiến nghị phải được thể hiện dưới dạng văn viết, văn bản; chủ thể kiến nghị, nội dung kiến nghị, người được kiến nghị phải được xác định. Thuật ngữ kiến nghị thường được sử dụng trong các đạo luật để điều chỉnh các quan hệ công việc giữa công nhân, cơ quan, tổ chức với cơ quan nhà nước; giữa nội bộ cơ quan nhà nước với cơ quan nhà nước.
3.2. Phân biệt phản ánh, kiến nghị với tố cáo
Giữa phản ánh, kiến nghị và tố cáo có sự khác biệt.
- Về mục đích: Việc tố cáo hướng tới mục đích là để xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật; ngăn ngừa những hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho cá nhân, cho xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chung hợp pháp. Đối với kiến nghị, phản ánh là việc công dân nêu lên, đưa ra, bày tỏ quan điểm và đề xuất với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại, điều chỉnh lại hoặc xử lý kịp thời những sự việc phát sinh làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội của các cá nhân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp.
- Về chủ thể: chủ thể tố cáo là bất cứ cá nhân nào khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác báo với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Pháp luật không quy định chủ thể tố cáo là cơ quan, tổ chức. Quy định này cho thấy trách nhiệm cá nhân trong việc tố cáo. Còn đối với phản ánh, kiến nghị là công dân, cơ quan, tổ chức nhà nước khi thấy những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác thì nêu lên, đề xuất với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần áp dụng những giải pháp, kịp thời xử lý những vấn đề nêu trên, hạn chế hậu quả xấu xảy ra với cá nhân, tổ chức, nhà nước và xã hội. Trong một số trường hợp, phản ánh không xác định chủ thể là ai.
- Về đối tượng: tố cáo luôn xác định rõ đối tượng có hành vi vi phạm, đồng thời có chứng cứ, tài liệu chứng minh cho hành vi sai phạm đó. Còn phản ánh có thể không xác định rõ người có hành vi sai phạm, địa điểm cụ thể, thời gian xảy ra của hành vi bị phản ánh; không có chứng cứ, tài liệu chứng minh, và cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh.
- Về hình thức thực hiện, người tố cáo phải thực hiện việc tố cáo bằng các hình thức do pháp luật quy định, đó là “việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Người phản ánh có thể thực hiện việc phản ánh qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử, bằng các bài viết, phóng sự. Người kiến nghị thực hiện việc kiến nghị trực tiếp, bằng đơn, văn bản kiến nghị.
- Về trách nhiệm của người tiếp nhận tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong mọi trường hợp, người tiếp nhận nội dung tố cáo đều có trách nhiệm xử lý, giải quyết nội dung tố cáo nếu thuộc thẩm quyền hoặc chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Đối với phản ánh, trong một số trường hợp, thông tin phản ánh chỉ mang tính tham khảo. Việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định.
- Về trách nhiệm pháp lý: Người tố cáo phải có trách nhiệm giải trình đối với nội dung tố cáo, hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu. Trong trường hợp tố cáo với động cơ bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải chịu trách pháp lý. Đối với kiến nghị, phản ánh, người kiến nghị, phản ánh cũng chịu trách nhiệm pháp lý nếu có động cơ cá nhân là bôi nhọ người khác. Nhưng trong nhiều trường hợp, người phản ánh không có nghĩa vụ phải giải trình, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ cũng không có nghĩa vụ phải đưa ra những bằng chứng cụ thể. Bởi họ chỉ phản ánh một cách “trung thực” những gì mà họ thấy, họ biết, họ cho rằng đó là sai phạm, hoặc nghi ngờ là sai phạm. Trong những trường hợp như vậy, người tiếp nhận thông tin có thể coi đó là những thông tin tham khảo hoặc phục vụ cho công tác quản lý, cho quá trình điều tra, xác minh và chính họ mới là người có trách nhiệm phải làm rõ sự thật mà người phản ánh cung cấp, đưa ra.
- Về quy trình giải quyết: Đối với tố cáo, pháp luật quy định rất rõ quy trình tiếp nhận tố cáo, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo. Đối với phản ánh, kiến nghị, chúng ta mới chỉ có quy định tiếp nhận, xử lý đơn thư kiến nghị, phản ánh; chưa có văn bản cụ thể nào quy định về trình tự giải quyết. Quy định về giải quyết kiến nghị có thể được giải quyết theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Phản ánh có thể chỉ là các thông tin mang tính tham khảo, cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra theo quy định.
Như vậy, có thể thấy phản ánh rất đa dạng, phức tạp. Nó có sự khác biệt so với kiến nghị, tố cáo. Từ những phân tích nêu trên có thể đi đến định nghĩa về phản ánh, kiến nghị như sau:
Phản ánh được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu lên, đưa ra hoặc trình bày ý kiến, quan điểm, suy nghĩ về một sự việc, hiện tượng, việc làm nào đó mà họ cho rằng điều đó là không bình thường, sai trái, không đúng với quy định, đường lối chính sách của đảng, pháp luật nhà nước; không phù hợp với thuần phong mỹ tục... để mọi chủ thể tiếp nhận có những phán xét, bình luận, đánh giá, lên án; hoặc để cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước có biện pháp xử lý cho phù hợp, đúng với quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Kiến nghị được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức đưa ra hoặc trình bày về một sự việc, hiện tượng, việc làm nào đó mà họ cho rằng điều đó là không bình thường, sai trái, không đúng với quy định, đường lối chính sách của đảng, pháp luật nhà nước; không phù hợp với thuần phong mỹ tục... và kiến nghị, đề xuất với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước biện pháp xử lý cho phù hợp, đúng với quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội; hoặc bãi bỏ, điều chỉnh bổ sung hay ban hành các chính sách, quy định phù hợp với các hoạt động kinh doanh, đời sống xã hội.
4. Phân biệt phản ánh hành vi vi phạm pháp luật với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật
Phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu lên, đưa ra hoặc trình bày ý kiến, quan điểm, suy nghĩ về một hành vi, việc làm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đó. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục luật định báo, cung cấp hoặc tiết lộ các thông tin về một hành vi, việc làm vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước biết để ngăn ngừa, giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xét về bản chất, phản ánh về một hành vi vi phạm pháp luật chính là tố cáo hiểu theo nghĩa rộng, hay là một dạng cụ thể của tố cáo. Bởi: “Tố cáo là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng một hành vi, việc làm của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào là vi phạm pháp luật, sai trái làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, uy tín và danh dự của cộng đồng xã hội, của nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cá nhân; ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc của tổ chức báo, cung cấp hoặc tiết lộ với người, cơ quan có thẩm quyền để xử lý, ngăn ngừa hoặc khắc phục hậu quả do hành vi, việc làm đó gây ra”. Nếu có sự khác biệt giữa tố cáo và phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó thì sự khác biệt đó là do pháp luật quy định, hoặc do sự nhìn nhận chủ quan của chúng ta.
Hiện tại pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận tố cáo nặc danh, mạo danh. Tức là không giải quyết đơn thư tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. Tuy nhiên, đối với những đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý. Những đơn thư vậy được Luật Tố cáo năm 2018 gọi là “thông tin có nội dung tố cáo”, và thực tế được xếp vào dạng đơn phản ánh. Nhưng nếu pháp luật tố cáo thừa nhận tố cáo nặc danh thì tố cáo không rõ tên, địa chỉ của người tố cáo (hay còn gọi là phản ánh) sẽ được giải quyết như tố cáo. Điều này là do pháp luật thừa nhận. Nhưng dù giải được giải quyết hay không giải quyết tố cáo nặc danh, mạo danh vẫn là tố cáo.
Hoặc, pháp luật tố cáo quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Các hình thức tố cáo khác (như qua fax, thư điện tử, điện thoại…) không được công nhận. Các hình thức tố cáo đó có thể được coi là phản ánh (do sự nhìn nhận chủ quan của chúng ta). Và khi pháp luật thừa nhận hình thức tố cáo này, thì nó trở thành tố cáo.
Như vậy, do quy định của pháp luật nên giữa tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật có những điểm khác biệt. Giữa phản ánh hành vi vi phạm pháp luật và tố cáo có sự chuyển đổi cho nhau, điều này phụ thuộc vào sự nhìn nhận của chúng ta và thừa nhận của pháp luật về tố cáo ở phạm vi rộng hay hẹp. Nếu chúng ta nhìn nhận và pháp luật thừa nhận tố cáo ở phạm vi rộng thì phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật là tố cáo hành vi vi pháp luật, hay là một dạng của tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Nếu nhìn nhận và pháp luật thừa nhận tố cáo ở phạm vi hẹp, thì một phần tố cáo hành vi vi pháp luật được coi là phản ánh về hành vi vi pháp luật.
TS. Mai Văn Duẩn
Ban tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh