(ThanhtraHatinh) - Quản lý công tác tiếp công dân ở địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) là vấn đề không mới. Nhưng từ khi Luật Tiếp công dân và Nghị định thi hành luật được ban hành và có hiệu lực thi hành, chưa được quy định cho cơ quan chuyên môn nào ở địa phương, gây trở ngại cho công tác tổng hợp tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo công tác. Khoảng trống và khó khăn này cần được khắc phục càng sớm càng tốt để nề nếp hóa công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khiếu nại tố cáo.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn trao đổi đôi điều về các quy định cụ thể quản lý về công tác tiếp công dân ở địa phương trước và sau khi có Luật Tiếp công dân (Kinh nghiệm từ Hà Tĩnh sẽ có dịp trao đổi thêm ở bài tiếp theo).
1. Quản lý công tác tiếp dân trước đây được quy định như thế nào:
Tại Nghị định số 89/CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân (Bãi bỏ bởi Luật Tiếp công dân số: 42/2013/QH13 và Nghị định thi hành Luật Tiếp công dân số 64/2014/NĐ-CP), tại Chương V: Tổ chức thực hiện quy chế, tại điều 19, 20 quy định rõ như sau: Điều 19. Tổng Thanh tra Nhà nước giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý thống nhất công tác tiếp công dân… Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiếp công dân với Thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Chánh Thanh tra Nhà nước các ngành, các cấp… giúp Thủ trưởng Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý về công tác tiếp công dân trong ngành và địa phương mình; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiếp công dân với Thủ trưởng Bộ, ngành hoặc cấp uỷ Đảng, Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Điều 20. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thuộc quyền quản lý thực hiện việc tiếp công dân ở ngành và địa phương mình. Hàng quý tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tổng Thanh tra Nhà nước trước ngày 20 tháng cuối quý.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với đại diện Trụ sở Tiếp dân TW, Ban Nội chính TW, Ban Dân nguyện của Quốc Hội, Cục II -TTCP tiếp công dân tại Hà Tĩnh
Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011, có Chương V quy định về công tác tiếp dân. Tại Mục 3: Điều 29 nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) có trách nhiệm tổ chức tiếp dân theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thuộc quyền quản lý thực hiện việc tiếp công dân ở ngành, địa phương mình; Hàng quý, trước ngày 20 tháng cuối của quý, tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Tại Điều 32 về Trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc tiếp công dân: (1) Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân…; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Chính phủ, Quốc hội về tiếp công dân. (2) Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quản lý công tác tiếp công dân của địa phương; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiếp công dân với Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Theo đó, quản lý công tác tiếp công dân ở địa phương thuộc UBND cùng cấp; được thực hiện bởi thanh tra nhà nước cấp tỉnh.
Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011, không có phần quy định riêng về tiếp công dân đến tố cáo. Mà nêu chung về trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tố cáo tại điều Điều 5 (phần Quy định chung) là: cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp, xử lý tố cáo tại trụ sở tiếp công dân theo quy định của Luật Khiếu nại và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Lùi xa hơn về trước đây, cần nói thêm các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005); Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Tóm lại, pháp luật trước đây bên cạnh khẳng định rõ Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức và quản lý công tác tiếp công dân, thì quy định rõ Chánh Thanh tra nhà nước các cấp ở địa phương phải giúp Chủ tịch UBND cùng cấp quản lý công tác tiếp dân. Theo đó, có nhiều văn bản hướng dẫn thêm việc thực hiện các việc: phân định nhiệm vụ tiếp công dân, theo dõi, kiểm tra hoạt động, chỉ đạo công tác, hướng dẫn nghiệp vụ, tổng hợp báo cáo kết quả tiếp công dân…
2. Quy định mới về quản lý tiếp công dân - những vấn đề bất cập:
Từ khi có Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25/11/2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày từ ngày 01/7/2014), Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 (có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2014), công tác tiếp dân được quy định đầy đủ hơn về mọi mặt. Ngoài các nội dung về quyền và nghĩa vụ người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh (gọi chung là khiếu nại, tố cáo); trách nhiệm của các cơ quan, tố chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì Luật Tiếp công dân và Nghị định thi hành Luật đề cập đến nghiều nội dung quan trọng khác như: Vấn đề xử lý đơn thư trong tiếp công dân, điều hành hoạt động, phối hợp công tác, đảm bảo an ninh trật tự… trong hoạt động tại các trụ sở tiếp công dân, các điều kiện đảm bảo khác. Tuy vậy, quản lý nhà nước về công tác tiếp dân chỉ được đề cập hết sức hạn chế: Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiếp công dân không đề cập nội dung này; Thông tư 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về Quy trình tiếp công dân, tại Chương V: Trách nhiệm tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan nhà nước có "điểm" chút ít, giới hạn trong những việc phải làm của cơ quan Thanh tra hoặc Văn phòng UBND trong tiếp dân có lãnh đạo tham gia mà thôi. Nhiệm vụ quản lý công tác tiếp công dân chỉ được nêu trong Luật Tiếp công dân, tại Điều 5, Chương I: Những quy định chung, với nội dung:
"Điều 5. Quản lý công tác tiếp công dân
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân; trực tiếp quản lý công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương.
Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý công tác tiếp công dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp việc tổ chức hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và quản lý công tác tiếp công dân của Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước.
Các cơ quan quy định tại khoản này có trách nhiệm định kỳ tổng kết và thông báo kết quả tổ chức tiếp công dân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình cho Chính phủ để tổng hợp chung báo cáo Quốc hội".
Lược "bỏ lại trên sàng" nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan do Quốc hội thành lập (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước). Việc quản lý công tác tiếp công dân ở địa phương chỉ còn lại "Thông điệp": Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý công tác tiếp công dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
3. Vài ý kiến nhỏ góp bàn:
So với trước đây, quy định này không đề cập thêm trách nhiệm của một cơ quan chuyên môn nào đó giúp UBND địa phương quản lý công tác tiếp dân; Không nêu tổ chức Thanh tra nhà nước có trách nhiệm gì trong công tác này (ngoài thực hiện tiếp dân tại cơ quan mình và làm một số việc trong chuẩn bị và thực hiện phiên tiếp công dân của lãnh đạo cùng cấp).
Thật là không công bằng khi nhiệm vụ công tác tiếp công dân được mở rộng, nâng tầm, nhưng quản lý đối với việc tiếp công dân lại thu hẹp, bỏ ngõ. Theo nghĩa nhân gian "một người lo bằng cả kho người làm", hạn chế trong quy định quản lý công tác tiếp dân là thiếu sót rất lớn trong quản lý kinh tế xã hội.
Trong báo cáo của cơ quan thanh tra về công tác giải quyết khiếu nại nói chung (bao gồm cả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo), đến UBND tỉnh và một số cơ quan có thẩm quyền khác từ trước đến nay, ngoài tình hình chung, phải có đủ lượng thông tin về 03 việc lớn: người đến khiếu nại tố cáo trực tiếp, lượng đơn thư tiếp nhận và xử lý, số vụ việc thuộc thẩm quyền đã được giải quyết. Để có số liệu này, cán bộ có thể phải qua nhiều lần, nhiều kênh mới tiếp nhận và xử lý được những thông tin này, là kết quả về công tác tiếp công dân qua các Ban tiếp công dân và UBND cùng cấp.
Hà Tĩnh bước đầu đã có xử lý khá thỏa đáng vấn đề này. Chắc các địa phương cũng đã có các phương án hay. Nên chăng, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các địa phương cùng nhìn nhận, suy nghĩ, trao đổi về việc này.