(Thanhtrahatinh) - Ngày 22/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 91/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy trình giải quyết khiếu nại hành chính trong bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất thực hiện các công, dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại, hành chính. Quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 07 của Thanh tra Chính phủ đã phát huy được hiệu quả, phục vụ khá tốt cho công tác giải quyết khiếu nại hành chính nói chung. Tuy nhiên, khi áp dụng để giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều điểm chưa sát với tình hình thực tế. Trong khi đó theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ có trên 80% vụ việc khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, đặc biệt là tại Hà Tĩnh đang thực hiện triển khai nhiều dự án trọng điểm tầm cỡ quốc gia, do đó việc ban hành: “Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính trong bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất” là hết sức cần thiết.
Với tinh thần đó, Tổ công tác nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh do đồng chí Trần Quốc Toản - Phó Chánh thanh tra tỉnh làm chủ nhiệm đề tài đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành: “Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính trong bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất”, với một số điểm cụ thể hơn như sau:
1. Về Phạm vi điều chỉnh: Đối với quy trình theo Thông tư số 07/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ (sau đây gọi tắt là TT 07) là quy trình chung cho việc giải quyết khiếu nại hành chính nói chung, trong đó bao gồm cả việc giải quyết các khiếu nại về kỷ luật cán bộ công chức, còn trong quy trình này chỉ quy định trong việc giải quyết các khiếu nại trong bồi thường giải phóng mặt bằng, do đó phạm vi điều chỉnh hẹp hơn nhưng về nội dung hướng dẫn sâu hơn về mặt chuyên môn.
2. Đối tượng khiếu nại trong quy trình này hẹp hơn nhiều so với đối tượng quy định tại TT07, cụ thể: đối tượng tại TT 07 là quyết định hành chính và hành vi hành chính nói chung, còn trong quy trình này đối tượng khiếu nại chỉ bao gồm: (1) Quyết định thu hồi đất; (2). Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; (3). Các HVHC của cán bộ, công chức nhà nước trong thực hiện trình tự, thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng.
3. Về thẩm quyền giải quyết: Tại TT07 không quy định về thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên để thuận lợi cho việc xác định thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc đúng quy định, Quy trình bổ sung quy định về thẩm quyền tại Điều 4, nhằm quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc giải quyết các khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011.
4. Với kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và giải quyết khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng nói riêng thì việc mời người khiếu nại đến làm việc trước khi tham mưu thụ lý vụ việc là hết sức quan trọng, vì: tại buổi làm việc này, cơ quan tham mưu thụ lý vụ việc xác định được chính xác nội dung khiếu nại, thu thập được các thông tin cần thiết và các tài liệu có liên quan làm cơ sở cho việc xác định vụ việc có đủ điều kiện thụ lý hay không và làm cơ sở cho việc tham mưu thụ lý vụ việc và xây dựng kế hoạch xác minh trong trường hợp vụ việc đủ điều kiện thụ lý. Từ các vấn đề trên, Quy trình bổ sung thêm quy định: “Làm việc với người khiếu nại, trước khi thụ lý vụ việc”, quy định tại Điều 5.
5. Quy định về kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong bồi thường giải phóng mặt bằng là việc làm hết sức cần thiết. Đây là quy định nhằm giúp cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tự kiểm tra các thủ tục khi có các thắc mắc khiếu nại từ phía người bị thu hồi đất. Để giúp cho người giải quyết khiếu nại (Đoàn thanh tra) nắm rõ các quy định, Quy trình quy định rất cụ thể về các nội dung tự kiểm tra lại, bao gồm: (1) Các giấy tờ về quyền sử dụng đất; (2) nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và thời điểm sử dụng đất trong trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; (3) các hồ sơ quản lý nhà nước đối với thửa đất đang có khiếu nại; (4) hiện trạng sử dụng đất được thể hiện trên bản trích đo hiện trạng phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng; (5) việc thực hiện kiểm đếm đo đạc về đất và các tài sản trên đất; (6) Việc áp giá tính toán bồi thường; (7) các nội dung khác có liên quan đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
6. Về việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh: trong TT07 việc quy định nội dung xác minh chỉ hướng dẫn chung chung, còn trong Quy trình này nội dung kế hoạch kiểm tra, xác minh trong việc giải quyết các khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng được quy định rất cụ thể, đó là: (1) Làm rõ về nguồn gốc đất đai, (2) các điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, (3) kiểm tra về việc thực hiện trình tự thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, (4) việc đo đạc, kiểm đếm về đất và các tài sản trên đất, (5) việc áp giá bồi thường về đất và các tài sản trên đất, (6) việc giải quyết các kiến nghị của người bị thu hồi đất trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.
7. Việc xác minh thực tế trong quy trình này được quy định cụ thể hơn nhiều so với quy trình chung trong TT07:
- Xác minh nguồn gốc thửa đất, qúa trình sử dụng đất:
- Làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước thu thập các hồ sơ quản lý nhà nước đối với thửa đất đang có khiếu nại, đối chiếu với nội dung trình bày và các hồ sơ tài liệu của người khiếu nại cung cấp để làm rõ tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
- Xác định về thời điểm và quá trình sử dụng đất của người khiếu nại. Trong trường hợp không có cơ sở để xác định thời điểm sử dụng đất phải tiến hành lấy ý kiến khu dân cư về thời điểm sử dụng đất (việc này phải tiến hành công khai, thủ tục lấy ý kiến phải được thực hiện bằng phiếu, có biên bản đầy đủ).
- Kiểm tra, xác minh làm rõ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất (Nội dung này có tính chất tham khảo thêm).
- Trên cơ sở nguồn gốc, các giấy tờ về quyền sử dụng đất và quá trình sử dụng đất đối chiếu với điều kiện bồi thường theo quy định của pháp luật để kết luận rõ có đủ điều kiện bồi thường hay không.
- Kiểm tra về trình tự thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Kiểm tra về việc áp giá bồi thường.
- Kiểm tra việc áp dụng các quy định của pháp luật trong việc tính toán bồi thường đối với thửa đất đang có khiếu nại.
- Trong trường hợp chưa giải phóng mặt bằng phải tổ chức kiểm tra hiện trạng đối với thửa đất đang có khiếu nại. Việc kiểm tra hiện trạng phải xây dựng sơ đồ vị trí khu đất và thống kê đầy đủ các tài sản trên đất.
8. Việc xây dựng báo cáo được hướng dẫn cụ thể hơn, bao gồm:
- Phần I: Nhân thân người khiếu nại, nội dung khiếu nại và quá trình giải quyết của các cấp, phần này thường được chia làm 02 mục nhỏ gồm:
(1) Nhân thân người khiếu nại: Nêu tên tuổi địa chỉ của người khiếu nại và một số nội dung chính có liên quan đến người khiếu nại.
(2) Nội dung khiếu nại và quá trình giải quyết của các cấp: Nêu rõ,cụ thể từng nội dung khiếu nại, kết quả giải quyết của các cấp và nội dung khiếu nại hiện nay là những nội dung gì.
Phần II: Kết quả kiểm tra xác minh: Theo nội dung khiếu nại, Đoàn Thanh tra lập đề cương kế hoạch kiểm tra xác minh và tổ chức xác minh theo đề cương đã được phê duyệt. Kết quả xác minh của mỗi nội dung được lập thành một mục nhỏ, trong đó cần chú ý sau mỗi kết quả xác minh phải có phần đánh giá sơ bộ về kết quả đó (tiểu kết) để làm cơ sở cho việc kết luận sau cùng. Trong phần này kết quả xác minh phải làm rõ được nguồn gốc thửa đất, quá trình sử dụng đất của người khiếu nại và các hồ sơ tài liệu khác có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định chính xác có đủ điều kiện bồi thường hay không, làm cơ sở kết luận vụ việc.
Phần III: Đánh giá kết quả xác minh: Căn cứ vào hồ sơ tài liệu và kết quả xác minh, người lập báo cáo phải phân tích đánh giá hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật để làm rõ các nội dung khiếu nại có căn cứ hay không có căn cứ pháp lý.
Phần IV: Kết luận, kiến nghị:
(1): Kết luận: Trên cơ sở phần đánh giá sơ bộ (tiểu kết) của mỗi kết quả xác minh ở phần II, người lập báo cáo phải phân tích áp dụng các quy định của pháp luật kết luận rõ từng nội dung khiếu nại (phần này sẽ được sử dụng làm phần nhận thấy trong quyết định giải quyết khiếu nại).
(2) Kiến nghị: Công nhận hay không công nhận các nội dung khiếu nại và giao cho ai tổ chức thực hiện.
Thanhtrahatnh.gov.vn đăng tải toàn văn Quyết định số 91/2014/QĐ - UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh tại file đính kèm.