Bộ Công an mới đây đã quy định các hình thức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân gồm: tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất. Trong đó, Trưởng Công an cấp xã định kỳ tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày. Thanh tra Công an tiếp công dân thường xuyên
Thanh tra Công an tiếp công dân thường xuyên
Ngày 3/12/2021, Thông tư 98/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an; Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ có trụ sở độc lập; Giám đốc Công an cấp tỉnh định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình. Thủ trưởng đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh có trụ sở độc lập; Trưởng Công an cấp huyện định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị mình. Trưởng Công an cấp xã định kỳ tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Công an cấp xã.
Khi có vụ việc phức tạp, nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau thì Thủ trưởng Công an các cấp phải tiếp công dân đột xuất. Trường hợp cấp trên yêu cầu hoặc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự hoặc gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe công dân thì Thủ trưởng Công an các cấp cũng phải tiếp đột xuất.
Ngoài hình thức tiếp định kỳ, tiếp đột xuất, Công an các cấp phải tổ chức tiếp công dân theo giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần; Thanh tra Bộ, Thanh tra đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Thanh tra Công an cấp tỉnh bố trí lãnh đạo, cán bộ thanh tra tiếp công dân thường xuyên.
Các đơn vị thuộc Bộ nơi không có tổ chức thanh tra; đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải tổ chức trực ban theo quy định, khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải báo cáo Thủ trưởng cùng cấp cử cán bộ để tiếp công dân theo quy định.
Đại tá Nguyễn Thành Long - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiếp công dân. Ảnh: Công an quận Nam Từ Liêm
Đúng điều lệnh và có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân
Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân; giải thích quyền, nghĩa vụ của công dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đề nghị công dân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho cơ quan Công an theo đúng quy định của pháp luật. Công dân chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn viết đơn; nếu không thể tự viết thì cán bộ tiếp công dân ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung bằng văn bản và yêu cầu công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ. Nếu nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì đề nghị công dân trình bày bổ sung hoặc cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh.
Trường hợp nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành các đơn riêng.
Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cùng cấp thì cán bộ tiếp công dân tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cán bộ tiếp công dân phải đảm trang phục, tác phong theo điều lệnh Công an nhân dân; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật…
Khi có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì cán bộ tiếp công dân yêu cầu cử đại diện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để trình bày nội dung. Trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung khác nhau thì cán bộ tiếp công dân tiếp lần lượt từng người theo từng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Khi có vụ việc phức tạp có nhiều người tham gia gây mất an ninh, trật tự hoặc có nhiều người tham gia đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng công dân vẫn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cấp cao hơn thì cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng đơn vị trực tiếp xử lý theo quy định.