Trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, quản trị cơ sở giáo dục và đào tạo, hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn được chủ thể quản lý triển khai thực hiện với tư cách vừa là nội dung, vừa là công cụ, biện pháp thiết thực, hữu hiệu để kiểm tra, đo lường đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý. Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra cần phân biệt hai hoạt động này trong nhóm chức năng kiểm soát của hoạt động quản lý nói chung và quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo nói riêng.
Khái niệm thanh tra và kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước được tiếp cận ở các phương diện, góc độ sau:
Về khái niệm thanh tra: Luật Thanh tra năm 2010 quy định: Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.
Về khái niệm kiểm tra: Cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật có định nghĩa cụ thể về kiểm tra, trên phương diện lý luận và thực tiễn thì kiểm tra là khái niệm rộng thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Trước hết, về phương diện hoạt động: Kiểm tra là hoạt động thường xuyên của từng cơ quan Nhà nước, tổ chức chính tri – xã hội, tổ chức kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chính mình. Qua kiểm tra các cơ quan, tổ chức đánh giá đúng mực việc làm của mình, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp, phương hướng hoạt động tiếp theo một cách hợp lý hơn. Trong trường hợp này, kiểm tra mang ý nghĩa xem xét, nhìn lại việc làm của chính mình để tự điều chỉnh, hay tìm biện pháp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn hiệu quả hơn. Hai là, về phương diện quản lý nhà nước: Kiểm tra là hoạt động của cơ quan, tổ chức, thủ trưởng cấp trên với cấp dưới của mình nhằm đánh giá mọi mặt hoặc từng vấn đề do cấp dưới đã thực hiện. Trong trường hợp này, kiểm tra thực hiện trong quan hệ trực thuộc, vì thế cơ quan hoặc thủ trưởng cấp trên sau khi kiểm tra có quyền áp dụng các biện pháp như: Biểu dương, khen thưởng khi cấp dưới làm tốt hoặc các biện pháp cưỡng chế để xử lý đối với cấp dưới khi họ có khuyết điểm hoặc vi phạm pháp luật. Ba là, về phương diện chính trị - xã hội: Kiểm tra là hoạt động của các cơ quan Đảng, các tổ chức xã hội, các tổ chức quần chúng tham gia hoạt động giám sát công việc hành chính nhà nước, theo phương diện này, kiểm tra hầu như không mang tính quyền lực nhà nước; không trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà chỉ tác động đến hoạt động quản lý nhà nước bằng những biện pháp mang tính xã hội.
Ảnh minh họa
Từ tiếp cận khái niệm thanh tra, kiểm tra nêu trên, có thể hiểu và khái quát về thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo như sau:
Thanh tra giáo dục và đào tạo: Là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn, nội quy, quy định về tiêu chuẩn, quy tắc hoạt chuyên môn thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục và đào tạo trong phạm vi cả nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thanh tra giáo dục thực hiện chức năng thanh tra thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong giáo dục.
Kiểm tra trong giáo dục và đào tạo: Là quá trình xem xét thực tế, đánh giá thực trạng so với mục tiêu, kế hoạch giáo dục của nhà nước và nhà trường nhằm phát hiện các mặt tích cực, sai lệch, vi phạm để đưa ra các quyết định điều chỉnh kịp thời, kiểm tra trong quản lý giáo dục và đào tạo gồm kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và tự kiểm tra của người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo.
Căn cứ nội dung khái niệm và thực tiễn hoạt động thanh tra, kiểm tra trong giáo dục và đào tạo thể rút ra những điểm tương đồng và khách biệt giữa thanh tra và kiểm tra trong giáo dục.
Thứ nhất, sự tương đồng giữa thanh tra với kiểm tra trong giáo dục
Hoạt động thanh tra và kiểm tra trong giáo dục có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi và có nhiều điểm giao thoa nhau, quan hệ đan chéo nhau không tách rời bởi chúng có những điểm tương đồng sau:
- Về vị trí, chức năng: Thanh tra và kiểm tra đều là những công cụ quan trọng của nhóm một chức năng của hoạt động quản lý nhà nước, là hoạt động mang tính chất phản hồi của chu trình quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích, đánh giá, theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý đề ra.
- Về mục đích hoạt động: Thông qua hoạt động thanh tra và kiểm tra nhằm giúp cho chủ thể quản lý phát huy những nhân tố tích cực; phòng ngừa, phát hiện, xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của các chủ thể, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và đưa ra các biện pháp tổ chức thực hiện tiếp theo để đạt kết quả như mong muốn.
- Về cách thức thực hiện: Khi tiến hành hoạt động thanh tra và kiểm tra chủ thể đều thực hiện biện pháp nghiệp vụ về thu thập, phân tích, so sánh, kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin để đưa ra nhận xét, đánh giá một cách chính xác, khách quan,trung thực về đối tượng được thanh tra, kiểm tra chỉ ra kết quả làm được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và biện pháp khắc phục, xử lý.
Điểm tương đồng giữa thanh tra với kiểm tra hiểu theo nghĩa rộng thì thanh tra là một loại hình đặc biệt của kiểm tra, ngược lại nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thanh tra lại bao hàm cả kiểm tra. Các hoạt động, thao tác nghiệp vụ trong một cuộc thanh tra như việc kiểm tra sổ sách, tài liệu của đối tượng thanh tra; so sánh, đối chiếu, đánh giá, xác minh… tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra…đó là kiểm tra.
Thứ hai, sự khác biệt giữa thanh tra với kiểm tra trong giáo dục
Tuy thanh tra với kiểm tra có những tương đồng như đã nêu ở trên, song cũng có những điểm khác biệt có thể phân biệt đâu là hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra.
- Về chủ thể: So với kiểm tra thì chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra hẹp hơn chỉ có cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được tiến hành thanh tra, chủ thể tiến hành kiểm tra rộng rất đa dạng từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đến công tác tự kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
- Về nội dung: Nội dung thanh tra thường phức tạp, đa dạng, chuyên sâu hơn so với nội dung kiểm tra; nội dung kiểm tra thường đơn giản, dễ nhận thấy hơn.
- Về tính chất pháp lý và nghiệp vụ: Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo quy định pháp luật cả về trình tự thủ tục tiến hành lẫn nội dung thực hiện vì thế để thực hiện được hoạt động này đòi hỏi thanh tra viên và những người là thành viên Đoàn thanh tra phải là những chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm trong một lĩnh vực thanh tra cụ thể đồng thời phải am hiểu về kinh tế - xã hội, có kỹ năng, nghiệp vụ giỏi về thanh tra nhất là lĩnh vực trực tiếp tiến hành thanh tra để đi sâu tìm hiểu vụ việc, nắm bắt thông tin, chứng cứ từ đó phân tích, đánh giá rút ra những két luận, kiến nghị chính xác, khách quan làm cho đối tượng thanh tra “tâm phục, khẩu phục” và làm cơ sở vững chắc, tin cậy cho quyết định giải quyết hoặc xử lý sau khi kết thúc thanh tra. Đối với kiểm tra, do nội dung thực hiện thường ít phức tạp hơn nên nghiệp vụ của thành viên các cuộc kiểm tra không đòi hỏi cao như thanh tra, tuy nhiên không vì thế mà xem nhẹ việc bố trí cán bộ tham gia các cuộc kiểm tra.
- Về phạm vi hoạt động: So với kiểm tra phạm vi hoạt động của thanh tra thường hẹp, chuyên sâu về nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp, cách thức tiến hành cụ thể, vậy nên cần cân nhắc chọn lọc một cách kĩ lưỡng, thậm chí phải qua kiểm tra sau đó mới quyết định thanh tra để đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả và tính mục đích của thanh tra. Nếu sự việc chỉ cần kiểm tra mà do không nắm bắt, đánh giá, nhận định đúng đối tượng nên ra quyết định thanh tra thì cuộc thanh tra đó không đảm bảo tính thuyết phục, sắc bén, quyền lực của thanh tra. Trong khi đó, hoạt động của kiểm tra thường được tiến hành theo bề rộng, diễn ra liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong đó có cả hình thức mang tính quần chúng.
- Về thời gian tiến hành: Hầu hết các nội dung, vấn đề trong tiến hành hoạt động thanh tra đều được tiến hành thẩm tra, xác minh, đối chiếu rất công phu, thận trọng mới có thể đưa ra được kết luận, kiến nghị một cách chính xác, khách quan nên cần phải sử dụng nhiều thời gian hơn so với kiểm tra. Thời hạn mỗi cuộc thanh tra do các cơ quan thanh tra tiến hành được quy định chặt chẽ cụ thể theo thẩm quyền, nội dung thanh tra tại Luật thanh tra.
- Về trình tự thủ tục thực hiện: Hoạt động thanh tra được pháp luật quy định nghiêm ngặt về hình thức, trình tự, thủ tục tiến hành trong khi đó hoạt động kiểm tra thường linh hoạt vận dụng quy trình thanh tra vào thực hiện công tác kiểm tra.
Từ sự tương đồng và khác biệt giữa thanh tra với kiểm tra ở trên làm cơ sở để phân biệt thanh với kiểm tra trong giáo dục với những tiêu chí cụ thể dưới đây:
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THANH TRA VỚI KIỂM TRA TRONG GIÁO DỤC
Tiêu chí |
Thanh tra trong giáo dục |
Kiểm tra trong giáo dục |
Chủ thể |
Cơ quan nhà nước có quyền theo quy định của pháp luật được thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện; Thanh tra Bộ, Sở giáo dục và Đào tạo |
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, cấp, người có thểm quyền trong quan hệ quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo. |
Đối tượng |
Hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục và đào tạo theo quy định pháp luật |
Hệ thống giáo dục quốc dân,tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đào tạo |
Nội dung |
Chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quy định, tiêu chuẩn, nội quy, quy chế trong hoạt động giáo dục và đào tạo |
Việc thực hiện các hoạt động giáo dục và đào tạo, công tác quản lý của cơ sở giáo dục |
Tính chất |
Để xem xét, đánh giá, kết luận chính xác đối tượng, đòi hỏi người, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thanh tra giáo dục phải có kiến thức rộng và chuyên môn sâu về giáo dục và đào tạo. Kết luận Thanh tra mang tính pháp lý cao làm cơ sở để xử lý, chấn chỉnh, uốn nắn, điều chỉnh đối tượng được thanh tra. |
Kiểm tra nhằm đánh giá kết quả quản lý để điều chỉnh hoạt động quản lý. Kết luận kiểm tra mang tính chất pháp lí nội bộ, kiến nghị, đề nghị điều chỉnh, chấn chỉnh trong quản lý giáo dục. |
Phạm vi hoạt động |
Nội dung thanh tra chuyên sâu ở một hoặc một số nội dung với đối tượng cụ thể trong hoạt động giáo dục và đào tạo |
Nội dung rộng bao quát toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý cơ sở giáo dục |
Thời gian, thủ tục tiến hành |
Thời gian thanh tra được quy định cụ thể đối với cuộc thanh tra theo thẩm quyền của chủ thể tiến hành. Trình tự, thủ tục được luật định thành quy trình và bước thực hiện |
Thời gian và thủ tục tiến hành linh hoạt không nhất thiết phải theo các bước như thanh quy trình thanh tra. |
Có thể nói, việc làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra nói chung, thanh tra và kiểm tra trong công tác quản lý giáo dục nói riêng nhằm giúp cho việc hiểu rõ bản chất của hoạt động này để giúp chủ thể và đối tượng nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của hai hoạt động thanh tra và kiểm tra trong công quản lý. Từ đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra mới đi vào đánh giá thực chất kết quả hoạt động của chủ thể và đối tượng, qua đó góp phần nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh phương thức, biện pháp, hình thức, nội dung quản lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chung và quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo nói riêng./.
Phạm Công Hiệp – Lê Hùng Điệp
Tài liệu tham khảo
1.Quốc hội khóa XII (2010), Luật số 56/2010/QH12 ngày 15/ 11/2010 Luật Thanh tra.
2.Chính phủ ( 2011), Nghị định số: 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
3. Chính phủ (2012), Nghị định số: 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 Quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành
4. Chính phủ ( 2013), Nghị định số: 42/2013/NĐ-CPNQ-CP ngày 09/4/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục
5. Chính phủ ( 2015), Nghị định 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra,
6. Thanh tra Chính phủ (2014), Thông tư số: 05/2014/TT - TTCP ngày 16/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra,
7. Thanh tra Chính phủ (2015)Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/09/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.
8.Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Tài liệu học tập, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông
9. Học viện quản lý giáo dục và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục
10. Nguyễn Thanh Xuân (2013), Kiểm tra và Thanh tra giáo dục, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội