Việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức đã được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) với ý nghĩa là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức đã được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) với ý nghĩa là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Trên thực tế qua 15 năm thi hành Luật, biện pháp này được đánh giá là mang nặng tính hình thức, ít có hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, thậm chí còn gây ra không ít lãng phí, tốn kém công sức và thời gian. Bài viết dưới đây tập trung làm rõ một số nội dung liên quan tới thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong kiểm soát thu nhập, tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt kể từ thời điểm Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ (Nghị định 130) về kiểm soát thu nhập, tài sản có hiệu lực thi hành.
Sự cần thiết phải sửa đổi quy định pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định, bản kê khai tài sản, thu nhập do đơn vị/ bộ phận phụ trách công tác tổ chức nhân sự của cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác quản lý. Đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý thì ban tổ chức cấp ủy cùng cấp quản lý. Đây được nhận diện là một trong những hạn chế của Luật dẫn đến tình trạng việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ít được thực hiện trong 15 năm qua. Theo các báo cáo tổng kết, việc kê khai tài sản năm nào cũng được thực hiện khá đầy đủ, đúng thời hạn, đúng quy trình… nhưng bản kê khai đó hầu hết không được cơ quan tiếp nhận bản kê khai xem xét, đánh giá tính trung thực của người kê khai hay tìm ra các dấu hiệu của tài sản bất minh. Thông thường, mọi bất thường trong tài sản của cán bộ, công chức dẫn đến có thể tiến hành xác minh lại chủ yếu do báo chí phản ánh hay dư luận từ quần chúng Nhân dân. Ngay cả khi đã có những dấu hiệu vi phạm thì việc tiến hành thẩm tra xác minh cũng qua nhiều tầng nấc, điều kiện khó khăn và những người tiến hành xác minh cũng thiếu tính chuyên nghiệp và khả năng phát hiện vấn đề…
Một cuộc Hội thảo về “nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức
Khắc phục hạn chế nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định một hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập một cách “bán chuyên trách” – không thành lập mới mà giao thêm chức năng, nhiệm vụ cho hệ thống cơ quan có sẵn trong hệ thống. Theo đó, việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện một cách tập trung. Cơ quan, đơn vị quản lý tập trung bản kê khai là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Điều này giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng. Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận bản kê khai, cung cấp thông tin bản kê khai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai.
Quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong kiểm soát tài sản, thu nhập
* Về hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập:
Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan này như sau:
- Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
- Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc chính quyền địa phương, trừ những đối tượng thuộc sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ và những người thuộc sự kiểm soát của các cơ quan, tổ chức khác sẽ được xác định trong Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này (tức là các đối tượng thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ)
- Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại điểm 2 nêu trên.
- Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.
- Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán Nhà nước.
- Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.
Như vậy, ngành Thanh tra nói chung sẽ có trách nhiệm rất lớn trong việc kiểm soát tài sản thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn bởi đối tượng kê khai trong các cơ quan, tổ chức đơn vị nói trên là rất lớn. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ trung, cao cấp trở lên trong toàn quốc chỉ trừ một số đối tượng tại một số cơ quan ở Trung ương, cơ quan tư pháp, kiểm toán và cơ quan Đảng, đoàn thể. Thanh tra cấp tỉnh sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của hầu hết cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước tại địa phương, trừ một số cơ quan tư pháp, cơ quan Đảng,đoàn thể. Trách nhiệm này sẽ đặt ra cho ngành Thanh tra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới theo tinh thần sửa đổi Luật Thanh tra 2010 tới đây.
Một nội dung đáng quan tâm là theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản nếu công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức của Đảng chịu sự kiểm soát về tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Nếu công tác tại cơ quan Nhà nước thì chịu sự kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc Nhà nước. Nếu công tác tại tổ chức chính trị - xã hội thì chịu sự kiểm soát của cơ quan Trung ương của tổ chức đó. Nội dung của kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm cả việc kiểm tra, xác minh tính trung thực trong việc kê khai tài sản thu nhập. Quy định này xuất phát từ đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam khá phức tạp với các nguyên tắc về quản lý cán bộ đặc thù.
Tuy nhiên thực tế hiện nay ở Việt Nam, trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều cán bộ giữ các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/05/2017 của Bộ Chính trị thì chủ thể kiểm tra việc kê khai tài sản của những cán bộ này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị thì kê khai tài sản và thẩm tra, xác minh tính trung thực của cán bộ, đảng viên là nội dung thuộc vấn đề chính trị của cán bộ, đảng viên và thẩm quyền thẩm tra, xác minh thuộc cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên đó.
Như vậy, nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền và có thể chủ động kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng thuộc phạm vi kiểm soát của mình, bao gồm cả cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý. Nhưng với Quy định số 85 và Quy định số 126 nêu trên thì việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý đều thuộc thẩm quyền của các cơ quan của Đảng.
Vì vậy, để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật và phù hợp với quy định của Đảng, cần có quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch xác minh ngẫu nhiên hàng năm cũng như tiến hành công tác xác minh về tài sản, thu nhập khi có các điều kiện khác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Vì vậy Nghị định 130 đã quy định “một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng”. Quy chế phối hợp sẽ bao gồm một số nội dung quan trọng nhưng chưa được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta chưa ban hành được Quy chế này, do vậy, việc quản lý bản kê khai tài sản của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đang làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp còn để ngỏ.
* Về nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan kiểm soát thu nhập, tài sản
Điều 31 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiệm vụ sau đây:
- Quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản thu nhập (sau đây gọi là bản kê khai) và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập;
- Giữ bí mật thông tin thu thập được trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập;
- Áp dụng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc bảo vệ người cung cấp thông tin được thực hiện như bảo vệ người tố cáo quy định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.
- Cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền;
- Trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có các quyền hạn sau đây:
- Yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;
- Xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ việc xác minh.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin (sau đây gọi là người được yêu cầu) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời thông tin theo yêu cầu của người yêu cầu và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
Người được yêu cầu phải chấp hành quyết định của người yêu cầu cung cấp thông tin. Như vậy trong mọi trường hợp, người được yêu cầu có thể đưa ra những lý do trong việc chậm trễ cung cấp thông tin được yêu cầu nhưng việc đánh giá và chấp nhận lý do đó hay không thuộc về quyền của người yêu cầu. Quy định này nhằm bảo đảm cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện được trách nhiệm của mình trong quá trình tiến hành xác minh, tránh được những khó khăn có thể gặp phải vì sự bất hợp tác thậm chí là chống đối của người được yêu cầu cung cấp thông tin.
Những quy định nói trên cũng được áp dụng đối với việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài Nhà nước và cá nhân.
Đặc biệt, việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Đây là một quy định hết sức quan trọng bởi vì theo quy định tại Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Tuy nhiên để có thể đấu tranh với các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các hành vi vi phạm pháp luật khác trong đó có việc che giấu tài sản, thu nhập, Luật này cũng quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không được quyền từ chối với lý do giữ bí mật thông tin cho khách hàng.
Điều 10 Nghị định 117/2018 ngày 11/9/2018 về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dung, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã quy định khá nhiều chủ thể có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, theo đó có thể thấy, hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản ,thu nhập có đầy đủ các quyền hạn để phục vụ cho việc kiểm soát tình hình thực tế, sự biến động của tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và qua đó đánh giá về tính trung thực của việc kê khai cũng như các dấu hiệu nghi ngờ về sự thiếu trung thực, che giấu tài sản hoặc các nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng. Đặc biệt là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động tự mình quyết định xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây là một quyền hạn rất quan trọng để khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành khiến cho việc tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là hết sức khó khăn.
Để bảo đảm các quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện, Điều 32 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập như sau:
Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan công an, cơ quan quản lý thuế, hải quan, cơ quan quản lý về đất đai, đăng ký tài sản và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh về tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin đã cung cấp; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để làm rõ thông tin liên quan đến nội dung xác minh tài sản, thu nhập hoặc để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập;
- Tiến hành định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật.
Việc Luật quy định các trách nhiệm trên đây của cơ quan tổ chức có liên quan đều nhằm giúp cho cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có thể thu thập thông tin, tài liệu một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quền hạn góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả./.
TS. Nguyễn Thị Lê Thu Học viện Hành chính Quốc gia