(ThanhtraHatinh) - Trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004, năm 2005 chỉ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Luật Tố cáo năm 2011, ngoài việc kế thừa nội dung trên, Luật đã bổ sung thêm quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Đây là một điểm mới cơ bản của Luật Tố cáo năm 2011, nhằm phát huy việc tố giác đối với những sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước để xử lý kịp thời, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực.
Ảnh minh họa
Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004, năm 2005 chưa quy định tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng các văn bản pháp luật khác lại quy định dẫn chiếu việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo.
Để hạn chế và khắc phục những bất cập trên; Luật tố cáo năm 2011 đã quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Theo đó, điều 31, Luật Tố cáo năm 2011 quy định:
1. “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan chủ trì giải quyết; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.
3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.
Đây là một nội dung rất mới, cần phải được tuyên truyền phổ biến rộng rãi đối với mọi tầng lớp nhân dân, để mọi người dân có điều kiện phát hiện báo với các cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý kịp thời, khắc phục những sai sót trong quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực nhằm ổn định tình hình để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà./.