Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Theo đó, Thông tư này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.
Thông tư này quy định cụ thể các nội dung liên quan đến trang phục, tác phong làm việc, giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử và trên mạng xã hội, đồng thời, việc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và ứng xử giữa công chức, viên chức với cấp trên và với đồng nghiệp, ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và cơ quan thông tin, báo chí và tổ chức, cá nhân nước ngoài,. Các quy định này được quy định rõ, cụ thể để cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng áp dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Liên quan đến ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Thông tư quy định, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu cao ý thức trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động thanh tra, có thái độ thận trọng, khách quan, toàn diện khi xem xét, đánh giá sự việc. Đồng thời, phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra khi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có mối quan hệ với đối tượng thanh tra...
Quy tắc ứng xử về hoạt động trong ngành Thanh tra và công tác tiếp công dân vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong hoạt động này như, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, viên chức thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật. Tư vấn, môi giới cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Đặc biệt là việc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý trái pháp luật; báo cáo sai sự thật; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, quy định nêu rõ, việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời, luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, phải có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thấm quyền, đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Kịp thời hướng dẫn, giúp người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn, công khai quy trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quy trình thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, việc xác minh, kết luận, kiến nghị phải thận trọng, khách quan, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì báo cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Xác định nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng là một khâu quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, Thông tư 01/2021/TT-TTCP quy định, khi tham gia Đoàn thanh tra về phòng, chống tham nhũng thì phải thực hiện theo quy định như trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo trung thực về công tác phòng, chống tham nhũng cho cơ quan, tổ chức theo quy định, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí, nhà báo, công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng,... tham gia phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật...
Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, ngoài việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Thông tư này còn phải thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, các quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, Thông tư 01/2021/TT-TTCP nhấn mạnh./.