Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Cụ thể, Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm; chủ trì xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm…
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Cụ thể, Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm; chủ trì xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm…
CSDLQG về Bảo hiểm gồm 9 nhóm thông tin
Theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, CSDLQG về Bảo hiểm là CSDLQG lưu trữ thông tin về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cơ sở dữ liệu này được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời ngay sau khi các thủ tục hành chính, nghiệp vụ có liên quan đã hoàn thành...; được lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin.
Đồng thời, Nghị định nêu rõ, CSDLQG về Bảo hiểm gồm 9 nhóm thông tin, trong đó các nhóm thông tin về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là những dữ liệu gốc. Cụ thể 9 nhóm thông tin như sau:
Một là, dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; Quốc tịch; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nơi thường trú; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp.
Hai là, thông tin liên hệ của công dân.
Ba là, nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình.
Bốn là, nhóm thông tin về BHXH: Mã số BHXH; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan BHXH quản lý; loại đối tượng BHXH; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mã số thuế.
Trụ sở BHXH Việt Nam. (Ảnh: Minh Nguyệt)
Năm là, nhóm thông tin về BHYT: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng.
Sáu là, nhóm thông tin về BH thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng BH thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bảy là, nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh (hoặc ngành, nghề kinh doanh chính)/lĩnh vực hoạt động; số điện thoại, thư điện tử; loại hình doanh nghiệp/loại hình tổ chức; phương thức đóng;
Tám là, nhóm thông tin cơ bản về y tế.
Chín là, nhóm thông tin về an sinh xã hội.
Khai thác, sử dụng CSDLQG về Bảo hiểm như thế nào?
Đặc biệt, CSDLQG về Bảo hiểm được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong đó, BHXH Việt Nam khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLGQ về Bảo hiểm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về BHXH, việc làm và an sinh xã hội; Bộ Y tế khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về BHYT; Văn phòng Chính phủ khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền…
Về cách thức khai thác, sử dụng dữ liệu, Nghị định nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLQG về Bảo hiểm qua Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Có quyền trích xuất thông tin của mình trong CSDLQG về Bảo hiểm. Dữ liệu trích xuất được ký số của BHXH Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ CSDLQG về Bảo hiểm.
Có thể thấy, Nghị định số 43/2021/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp an sinh xã hội. Đây là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng và quản lý CSDLQG về Bảo hiểm để phục vụ công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH - một trong những nền tảng quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp./.