Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo Nghị định mới, các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Nhóm các tổ chức này còn có các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định sửa đổi cũng quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung các mức phạt cảnh cáo hoặc phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường: hành vi vi phạm quy định về thực hiện bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; hành vi vi phạm quy định về thực hiện quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; hành vi vi phạm quy định về thực hiện Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Tổng Công ty Giấy nơi từng nhận nhiều phản ánh về hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Ảnh: P.PV&BT
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường và vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông có môi trường nguy hại vào môi trường hoặc xả nước thải có chứa thông số vi sinh vật (Salmonclla, Shigella, Vibrio cholerae) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế hoặc xả nước thải có PH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật…
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định, Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động, kiểm lâm được quy định tại Nghị định này.
Cùng với đó, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thanh tra chuyên ngành thủy sản có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động thủy sản được quy định cụ thể trong Nghị định.
Mặt khác, Nghị định này cũng bổ sung quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc lập, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc buộc cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và cấp lại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Đối với thủ tục kiểm tra, thanh tra và xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức được lồng ghép với quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Hoặc cấp mới, cấp lại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điểm mới là kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nói trên sẽ thay thế kết luận kiểm tra, thanh tra việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường đối với cá nhân, tổ chức theo quy định tại Nghị định sửa đổi này./.