Ngày 14/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đến thăm và làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại TP Hồ Chí Minh. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các ngành, các cấp trong công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư một cách chặt chẽ. Ảnh: Cảnh Nhật
Báo cáo kết quả công tác năm 2016, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết: Trong năm 2016, đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC) vượt cấp đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương giảm so với năm 2015 cả về số lượt công dân, số lượng đơn thư và số lượt đoàn đông người. Mặc dù vậy, tình hình KN của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) vẫn diễn biến phức tạp.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Cảnh Nhật
Đáng chú ý, tính chất manh động, côn đồ của công dân khiếu kiện diễn ra khá phổ biến, gây áp lực đối với cán bộ tiếp công dân nói chung và cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở Tiếp công dân.
Đặc biệt, trong thời gian trước Tết Nguyên đán, một số công dân khiếu kiện chây ỳ của các tỉnh An Giang, Bình Định, Đồng Tháp, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Bình… được lực lượng chức năng vận động từ trung tâm thành phố về có thái độ quá khích, la hét, gây rối kích động.
Trong năm 2016, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 21.949 lượt người đến trình bày 6.450 vụ việc; có 608 lượt đoàn đông người. So với năm 2015, số lượt người giảm trên 21%, số vụ việc giảm 15,6%, số lượt đoàn đông người giảm gần 21%.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cảnh Nhật
Nói về những khó khăn trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, qua gần 4 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, địa vị pháp lý của Ban Tiếp công dân Trung ương hiện nay còn chông chênh. Bên cạnh đó, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC còn bất cập...
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cảnh Nhật
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ biểu dương và ghi nhận những kết quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cán bộ, lãnh đạo, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân. Đặc biệt là Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KN, TC; Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đưa Trụ sở Tiếp công dân vào mục tiêu bảo vệ. Cán bộ làm công tác tiếp công dân cần hết sức kiên trì, nhẫn nại, bình tĩnh, phải tâm huyết, có tình cảm với dân, đặt cương vị của mình vào vị trí của người dân. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác phối hợp, cần có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các ngành, các cấp trong công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư một cách chặt chẽ.