26 dự án nợ tiền ký Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT); 17 dự án nợ phí BVMT; các dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, nhưng đã khai thác; các dự án thực hiện không đúng nội dung quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)… là hàng loạt vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại Thông báo Kết luận thanh tra số 1167/TB-TTCP ngày 16/7/2020.
Chưa nộp trên 38 tỷ đồng vào Quỹ BVMT
Theo Thông báo Kết luận thanh tra số 1167/TB-TTCP ngày 16/7/2020, qua thanh tra một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy: UBND cấp huyện chưa thường xuyên thực hiện việc giám sát, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
Đáng chú ý, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 26 dự án chưa nộp đủ số tiền ký Quỹ BVMT với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng, vi phạm điểm đ Khoản 1 Điều 38 Luật BVMT năm 2014; Điều 8 Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Đồng thời, còn 17 dự án nợ phí BVMT với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng, vi phạm Điều 6 Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
Việc UBND tỉnh Hà Giang chi tổng số tiền trên 18,5 tỷ đồng, trích từ nguồn thu Phí BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho 7 công trình, dự án về thủy lợi, nhà lưu trú học sinh chưa đúng mục đích phục vụ công tác BVMT, chưa phù hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 66/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính; Khoản 1 Điều 8 Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.
Bản cam kết BVMT do cấp huyện phê duyệt còn sơ sài, thiếu nội dung so với yêu cầu thực tế công tác BVMT mà dự án phải thực hiện.
Qua thanh tra tại một số dự án khai thác khoáng sản thực tế cho thấy, vẫn còn có một số công trình BVMT trên thực tế chưa đúng với nội dung, yêu cầu được nêu trong Báo cáo ĐTM được phê duyệt.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 10 dự án chưa lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; 09 dự án không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khi hết hạn khai thác để được đóng cửa mỏ theo quy định.
Hàng loạt dự án vi phạm về BVMT
Đối với các dự án thanh tra, có 6/13 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành, nhưng đã khai thác là vi phạm điểm n Khoản 1 Điều 9 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Việc để 4/13 dự án thực hiện không đúng một trong các nội dung Báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành gồm các đơn vị đã nêu trong phần kết quả thanh tra, vi phạm Điều 9 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Có 4/13 dự án còn nợ tiền ký Quỹ Cải tạo, phục hồi môi trường, vi phạm điểm đ Khoản 1 Điều 38 Luật BVMT năm 2014; Điều 8 Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT. Mặt khác, có 01/13 dự án không thực hiện việc nộp báo cáo định kỳ kết quả quan trắc, giám sát môi trường, Báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi về Sở TN&MT là vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Có 01 dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục đất đai (chưa có quyết định cho thuê đất, chưa có hợp đồng cho thuê đất) nhưng đã thực hiện việc khai thác là vi phạm pháp luật về đất đai được quy định tại Điều 39 Luật Đất đai 2003; Điều 62 Luật Đất đai 2013; Khoản 1 Điều 31 Luật Khoáng sản 2010 (Mỏ Mangan Khuôn Then, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên của Công ty TNHH Tây Giang).
Thông báo Kết luận thanh tra của TTCP nêu rõ: “Trách nhiệm để xảy sai phạm nêu trên thuộc về chủ đầu tư các dự án, Quỹ BVMT tỉnh, Sở TN&MT, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có dự án; trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hà Giang”.
Ngoài ra, Thanh tra chính phủ còn chỉ ra một số vi phạm khác, như: Cấp phép cho 05 dự án với tổng diện tích 159,23 ha, đã nhiều năm nay nhưng không tiến hành khai thác, không thực hiện nghiêm túc pháp luật về BVMT như đã nêu trong kết quả kiểm tra; trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp có đủ chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; hầu hết dự án khai thác khoáng sản được kiểm tra đều không lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; tại một số dự án khai thác khoáng sản, việc khai thác còn chưa đảm bảo theo đúng thiết kế và biện pháp được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động…
Rà soát, xử lý nghiêm các Dự án vi phạm
Trên cơ sở kết luận về công tác BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang tăng cường vai trò, trách nhiệm UBND cấp huyện trong thực hiện việc giám sát, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của tại các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Mặt khác, nâng cao chất lượng việc thẩm định, phê duyệt các Báo cáo ĐTM, Kế hoạch BVMT, Bản cam kết BVMT, Phương án cải tạo phục hồi môi trường đảm bảo nội dung, yêu cầu thực tế công tác BVMT mà Dự án phải thực hiện. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm theo quy định.
Về khoản tiền trên 18,5 tỷ đồng UBND tỉnh Hà Giang chi hỗ trợ cho 7 công trình, dự án chưa đúng mục đích phục vụ công tác BVMT; yêu cầu hoàn trả lại nguồn sự nghiệp môi trường. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, không bố trí được nguồn để hoàn trả, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, kiểm tra, xử lý đối với 09 dự án hết hạn giấy phép nhưng không lập đề án đóng cửa mỏ; 10 dự án chưa lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; 26 dự án nợ tiền ký Quỹ BVMT; các dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, nhưng đã khai thác; các dự án thực hiện không đúng nội dung quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM hoặc Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành... Trường hợp chủ dự án không chấp hành nghiêm túc, UBND tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác để yêu cầu chủ dự án chấp hành việc xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định.
Kiểm tra, xử lý đối với 05 dự án với tổng diện tích 159,23 ha đã được cấp phép khai thác nhiều năm nhưng không khai thác, không thực hiện nghiêm túc pháp luật về BVMT; trường hợp đủ điều kiện thu hồi thì xử lý thu hồi dự án theo quy định pháp luật. Yêu cầu các dự án khai thác khoáng sản được thanh tra (hiện đang hoạt động khai thác) thực hiện việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác theo quy định…/.