Sáng 12/8, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng chủ trì buổi làm việc với các ngành chức năng, địa phương về tình hình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y.
Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Sở Xây dựng đã thẩm định 320 dự án, với tổng mức đầu tư 4.466 tỷ đồng. Sau thẩm định, ngành đã kiến nghị các giải pháp thiết kế phù hợp và cắt giảm dự toán 107 tỷ đồng; đồng thời, tổ chức nghiệm thu 70 công trình đưa vào sử dụng. Nhìn chung, các doanh nghiệp tư vấn xây dựng đã từng bước nâng cao năng lực, hoạt động ngày càng có chất lượng hơn.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển, công tác đấu thầu.
Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp còn nhiều bất cập trong công tác quản lý hồ sơ, quản lý chất lượng công trình như: Định vị công trình, hướng tuyến, tim, cốt công trình… chưa đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định; vật liệu xây dựng không có xuất xứ, nhãn mác; quá trình thi công thay đổi một số nội dung so với thiết kế… Sở Xây dựng cũng đã tổ chức 9 cuộc thanh tra chuyên ngành và 20 cuộc kiểm tra đột xuất, qua đó phát hiện 139 doanh nghiệp vi phạm, xử phạt gần 700 triệu đồng.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến báo cáo công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn Hà Tĩnh
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 815 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chủ yếu các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp năng lực hạn chế, tỷ lệ đủ điều kiện xếp hạng theo quy định chỉ đạt khoảng 10%. Thời gian qua đã có hơn 100 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Đến cuối 2015, toàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở sản xuất, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tuy nhiên, chủ yếu có quy mô nhỏ, việc sản xuất, chế biến chủ yếu ở mức thông thường, chưa có giá trị cao, công nghệ lạc hậu, mức độ cơ giới hóa còn thấp.
Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ: Chủ đầu tư cần quan tâm hơn đến quá trình trộn, cấp phối bê tông ở các công trình giao thông nông thôn.
Theo báo cáo của sở KH&ĐT, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội xây dựng từ đầu năm là 66.350 tỷ đồng, giá trị khối lượng thực hiện 7 tháng đầu năm 2016 đạt 25.475 tỷ đồng. Về nguồn vốn đầu tư công, kế hoạch năm 2016 là 5.766 tỷ đồng. Đến hết tháng 7, giá trị thực hiện đạt 1.924 tỷ đồng, giải ngân đạt 2.226 tỷ đồng. So với bình quân chung, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2016 của Hà Tĩnh nằm trong tốp đầu của cả nước.
Cùng với đó, trong bối cảnh khó khăn chung, các công trình, dự án lớn, trọng điểm vẫn tiếp tục được triển khai. Số dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp tiếp tục tăng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Qua quá trình theo dõi cho thấy chất lượng các công trình xây dựng cơ bản của tỉnh còn kém, thời gian tới, cần có quy chế chặt chẽ hơn trong việc lựa chọn nhà thầu. Một số công trình xây dựng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân. UBND tỉnh, HĐND tỉnh cũng cần tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra liên ngành để có ý kiến và chỉ đạo xử lý tốt hơn. Sở xây dựng cần mạnh dạn đưa các vật liệu mới ứng dụng vào xây dựng nhằm giảm chi phí, hiện đại hóa xây dựng.
Trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, 7 tháng đầu năm tỉnh đã thẩm định 21 dự án, với tổng mức đầu tư 1.169 tỷ đồng; thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu 221 gói thầu.
Đến nay, Sở Tài chính đã tổ chức thẩm tra, phê duyệt quyết toán đối với 155 dự án, công tình. Giá trị thẩm tra quyết toán đạt 1.627 tỷ đồng, giảm so với dự toán được duyệt 225 tỷ đồng, giảm so với giá trị đề nghị quyết toán của chủ đầu tư 17 tỷ đồng, kiến nghị thu vào ngân sách 5 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Mặc dù Luật Đầu tư công có sớm nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn chậm nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Tỉnh cần đẩy mạnh cái cách hành chính, đẩy nhanh các bước thực hiện ở các cấp để thu hút và giữ nhà đầu tư; đảm bảo tính chặt chẽ và hiệu quả công trình bằng việc nâng cao năng lực thẩm định, nâng cao minh bạch trong đấu thầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, thời gian qua, Hà Tĩnh đang phát triển nhanh trong đó có sự đóng góp lớn của các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt các công trình giao thông. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng cơ bản hiện tại vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là việc thời gian thi công kéo dài, chất lượng công trình không đảm bảo, nhiều công trình không phát huy được hiệu quả, trách nhiệm cán bộ quản lý một số đơn vị chưa cao…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành liên quan cần thẩm định chặt chẽ chủ trương đầu tư; phê duyệt các dự án có sự cần thiết, hiệu quả cao, dành sự quan tâm và ưu tiên cho các công trình trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Sở Xây dựng hướng dẫn đầy đủ các chính sách quy trình xây dựng cơ bản, tùy theo tình hình thực tế và kiến nghị của địa phương, xem xét các quy trình còn thiếu hợp lý để đề xuất sửa đổi, bãi bỏ. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện xây dựng cơ bản.
Các sở ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát, đánh giá nhà thầu, quy trình xây dựng cơ bản, chất lượng các công trình; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; bằng nhiều giải pháp, cố gắng tăng tốc tốc độ giải ngân xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả tối đa công trình.