Vừa qua, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” với 7 nội dung cải cách lớn nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc như phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; thực hiện không thống nhất giữa các Bộ, ngành hoặc giữa văn bản hướng dẫn và văn bản có tính pháp lý cao hơn…
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về nội dung trên để làm cơ sở triển khai Mô hình mới về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với HHNK theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục.
Nhấn mạnh việc cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế. Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với HHNK theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Theo Ban soạn thảo, việc xây dựng Dự thảo Nghị định này nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Thủ tướng Chính phủ về cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với HHNK đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của các quy định của pháp luật liên quan.
Dự thảo Nghị định cũng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển, ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra và đảm bảo minh bạch thông tin và đảm bảo áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến.
Tỏng Cục hải quan được Bộ Tài chính giao soạn thảo Nghị định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bố cục Dự thảo Nghị định gồm 25 Điều, được chia thành 5 Chương, gồm: Chương I: Quy định chung; Chương II: Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Chương III: Trách nhiệm quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Chương IV: Tổ chức thực hiện; Chương V: Điều khoản thi hành.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể 03 quy trình, thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu. Đó là: Quy trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Quy trình công bố hợp chuẩn và Quy trình công bố hợp quy.
Cụ thể hơn, Dự thảo Nghị định có 6 nội dung cải cách nổi bật:
Một là, dự thảo Nghị định đã góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra. Cụ thể trong việc ứng dụng tối đa hệ thống CNTT, thủ tục kiểm tra được thực hiện trên Cổng thông tin một quốc gia do cơ quan hải quan quản lý. Hệ thống quyết định phương thức kiểm tra; hướng đến việc giảm chứng từ trùng lặp giữa hồ sơ đăng ký kiểm tra và hồ sơ hải quan nếu doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai hải quan. Thời gian kiểm tra được rút ngắn xuống còn 08 giờ kể từ thời điểm cơ quan kiểm tra tiếp nhận đầy đủ hồ sơ (thay vì 24 giờ như hiện nay).
Hai là, áp dụng thống nhất các phương thức kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ và lấy mẫu); kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ) và kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ tối đa 5%) cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ba là, kiểm tra theo mặt hàng: áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng giống hệt nhau về mọi phương diện như: tên gọi, công dụng, mã HS, nhãn hiệu sản phẩm, xuất xứ, nhà sản xuất…
Bốn là, công khai minh bạch thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu tình trạng hàng hóa gồm: Hàng hóa được miễn kiểm tra; Hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra; Hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn; Kết quả kiểm tra.
Năm là, kết nối, chia sẻ thông tin: Hệ thống dữ liệu chung, tập trung cho phép chia sẻ, kết nối thông tin các cơ quan quản lý, các tổ chức đánh giá sự phù hợp để triển khai thủ tục kiểm tra, kịp thời chuyển đổi phương thức kiểm tra, đảm bảo quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu.
Sáu là, tăng quyền của người nhập khẩu. Trong đó, người nhập khẩu được lựa chọn cơ quan kiểm tra (đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt chưa có chứng nhận hợp quy); được lựa chọn kiểm tra theo quy trình tại Nghị định đối với hàng hóa thuộc danh mục kiểm tra sau thông quan; được lựa chọn tổ chức chứng nhận/giám định; Tra cứu thông tin của hàng hóa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg và kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-BTC ngày 18/02/2021, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Bộ Tài chính và trình Chính phủ ký ban hành vào Quý II/2021.
Trước đó, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài Chính, ngày 28/01/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TCHQ về việc thành lập Tổ soạn thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngày 08/02/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 772/TCHQ-GSQL để lấy ý kiến các đơn vị có liên quan. Ngày 18/3/2021, Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến để hoàn thiện dự thảo Nghị định dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Cuộc họp với sự tham gia của Tổng cục Hải quan, đại diện một số Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo đơn vị tại Bộ Tài chính; đại diện một số Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố./.
|