Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) diễn ra ngày 9/3.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: “Phải đặt ra mục tiêu không có những kho hàng lậu, chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu. Nơi nào xảy ra hiện tượng đó thì lực lượng chức năng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm”. Ảnh: TN
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu “điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm”.
Còn lợi ích vùng miền, chạy theo phong trào, nể nang, né tránh
Tại hội nghị, Tư lệnh Cảnh sát biển, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm cho hay, thời gian qua nổi lên tình hình buôn lậu xăng dầu. Cảnh sát biển đã bắt 46 vụ liên quan đến yếu tố nước ngoài, chủ yếu là các tàu nước ngoài bán xăng dầu cho các tàu cá được cải hoán của Việt Nam trên các vùng biển giáp ranh để các tàu này bán lại cho tàu đánh cá xa bờ.
Theo ông Đạm, đấu tranh với hiện tượng này rất khó vì có hóa đơn, giấy tờ đầy đủ, chỉ cơ sở trinh sát mới nắm được nguồn gốc, từ đó mới đấu tranh được.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng thông tin về tình trạng buôn bán trái phép cocain, các loại ma túy mới vào Việt Nam qua đường hàng không, đường biển (có lúc lên tới 3 tấn lá khát).
Trong quá trình điều tra, bắt giữ cho thấy, có liên quan đến các phương tiện vận chuyển, các hãng vận chuyển. Tổng cục Hải quan đang cùng các lực lượng khám xét, xác minh đến cùng hàng vô chủ ở các kho hàng không.
“Phương tiện chuyên chở hàng lậu, hàng cấm cần phải xác định và thậm chí hướng dẫn luật để xử lý”, ông Cẩn nói.
Phương thức, thủ đoạn của đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lách, làm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. “Chế tài chống buôn lậu, hàng giả còn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe với nhiều đối tượng nên làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh”, ông Sơn nói.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thẳn thắn cho rằng, chủ quan vẫn là cơ bản.
“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện, triển khai, thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia; vì lợi ích vùng miền, chạy theo phong trào, nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài; một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, có trường hợp bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Phải chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu
Làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mới bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ được trật tự pháp luật và cuộc sống bình yên của nhân dân, thu được ngân sách và trừng trị các loại tội phạm có tổ chức, xã hội đen xuyên quốc gia.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng thẳng thắn và nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản.
“Phải xác định, chỉ rõ các địa bàn, mặt hàng trọng điểm, nhất là mặt hàng thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đối tượng cầm đầu, chủ mưu. Bởi thực tế những vi phạm phát hiện xử lý hành chính và hình sự trong năm qua hầu hết không phát hiện được đối tượng cầm đầu.
“Những đối tượng đó hoạt động hết sức tinh vi, có mạng lưới tay chân được tổ chức chặt chẽ, vì lợi nhuận cao nên sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn, nhất là những đối tượng buôn lậu ma túy. Chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt tuần tra, canh gác, phối hợp các cơ quan có giải pháp để trinh sát làm rõ đối tượng tổ chức, cầm đầu”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
“Điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn. Một mặt phải chấn chỉnh công tác cán bộ, xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.
“Ở dọc các tuyến biên giới có hiện tượng các nhóm vận chuyển hàng lậu qua biên giới hoạt động công khai, đông người. Không có lý do gì lực lượng của chúng ta không phát hiện và có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn. Do đó, chúng ta phải đặt ra mục tiêu không có những kho hàng lậu, chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu. Nơi nào xảy ra hiện tượng đó thì lực lượng chức năng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Thường trực kết luận.
Báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia cho hay, trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng các cấp đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát hiện, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt trên 21.556 tỉ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán) đã phát hiện và xử lý 27.327 vụ vi phạm, khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng liên quan. |
LTT - Theo Thanhtra.com.vn