Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “anh giải thích phải trái với dân, nghĩa tình trọn vẹn trong giải quyết công việc, nhất là liên quan đến đất đai, đến quyền lợi của người dân thì mới được. Chứ anh lơ đi, anh bỏ đi, anh đứng vào thế chính quyền có quyền lực thì không ổn đâu”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong quá trình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu được bức xúc của người dân để giải quyết có lý, có tình.
Cán bộ chưa thực sự lắng nghe, đối thoại với dân
Tại hội nghị, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua có xu hướng giảm, nhưng số vụ khiếu kiện đông người lại tăng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Trong khi, pháp luật đất đai đã ngày càng hoàn thiện.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2015, có trên 18.300 đoàn đông người, tăng so với giai đoạn trước.
“Các vụ việc đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên Trung ương, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị quan trọng của đất nước”, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, bức xúc chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Đồng tính với nhận định này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, 70% các vụ khiếu nại hành chính đều liên quan đến đất đai, trong đó 40% các vụ liên quan đến thu hồi đất, đền bù, tái định cư. Tại sao?
“Ở một tỉnh miền Trung, làm dự án lớn không thông báo cho dân, thu hồi đất, ào ào bắt dân nhận tiền đền bù, trong khi giá đền bù thấp. Có đúng quy trình không? Động cơ gì làm không đúng pháp luật như vậy?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng và nói rõ “không hi sinh môi trường, không hi sinh quyền lợi của người dân để làm kinh tế. Các địa phương phải thấm tinh thần đó”.
Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt là số đoàn đông người khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tăng 61,6%.
Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn phê bình nhiều cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều Chủ tịch xã, huyện, tỉnh không bố trí tiếp dân mà chỉ bố trí cán bộ. Thậm chí, một số địa phương dựa vào việc hết thời hiệu để không giải quyết khiếu nại dù công dân đã cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ thuyết phục.
“Giải quyết có tình, có lý, không tham ô, tham nhũng thì ai kỷ luật các đồng chí. Rồi một số việc thiếu trách nhiệm, không công tâm, còn có trường hợp đề xuất giải quyết thiếu khách quan, không chính xác, không hợp lý dẫn đến khiếu kéo dài. Có trường hợp cán bộ tham ô, tham nhũng lấy tiền đền bù, giải phóng mặt bằng của dân, miền núi có, đồng bằng cũng có, tôi có thể chỉ ra. Anh là cán bộ phải tận tụy, công tâm, sát dân, báo cáo đúng. Anh lằng nhằng không rõ ràng thì dân phải nói thôi”, Thủ tướng nói.
Thực tế còn có những vụ né trách nhiệm, không cầu thị để sửa chữa, đùn đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng. Việc đối thoại với dân chưa được chú trọng. Đặc biệt, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, kéo dài, người dân phải chờ đợi lâu, chuyển đơn lòng vòng, gây bức xúc nên phải kéo lên Trung ương.
“Mở cao điểm giải quyết khiếu nại, tố cáo”
Theo Thủ tướng, hội nghị không phải để nêu thành tích mà là dịp để các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Cụ thể, trong quá trình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu được bức xúc của người dân để giải quyết có lý, có tình.
Các đại biểu tham dự hội nghị
“Cơ quan, cá nhân, công chức phải sát dân, lắng nghe dân, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân. Đây không phải là lý luận mà là hành động thực tiễn của các cấp chính quyền thì mới yên dân. Anh giải thích phải trái với dân, nghĩa tình trọn vẹn trong giải quyết công việc, nhất là liên quan đến đất đai, đến quyền lợi của người dân thì mới được. Chứ anh lơ đi, anh bỏ đi, anh đứng vào thế chính quyền có quyền lực thì không ổn đâu”, Thủ tướng nêu rõ.
Cả bộ máy phải vào cuộc để tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân. Có nghĩa phải chủ động giải quyết việc của dân, không để “mất bò mới lo làm chuồng”, “nước đến chân với nhảy”, không tham ô, tham nhũng.
“Bí thư, chủ tịch, nhất là ở cấp huyện, xã phải biết trong địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc. Phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, giải quyết”, Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến những bất cập của hệ thống pháp luật phải rà soát, tổng kết kiến nghị sửa đổi. Thủ tướng Chính phủ giao giao Thanh tra Chính phủ tổng kết việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập như đối thoại, bảo vệ người tố cáo…. để bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của người dân.
Bộ Tài nguyên Môi trường theo dõi sát việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013, phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi những quy định bất cập nhất là về giá đền bù.
Cùng với đó, coi trọng công tác vận động nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm tốt an ninh trật tự, bảo đảm thực hiện tốt quyền khiếu nại tố cáo của công dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiên quyết xử lý những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối an ninh trật tự, xúc phạm, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân.
“Sau hội nghị này mở một đợt rà soát, coi như một đợt tấn công cao điểm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo đông người từ trung ương đến địa phương. Chúng ta không ngại việc cũ, không ngại va chạm, nhìn thẳng vào sự thật để chấm dứt khiếu kiện đông người”, Thủ tướng chốt lại.