Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.
Khoản 5 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau: “5. Quản lý đội ngũ Thanh tra viên, cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế; đề xuất việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên trong Công an nhân dân; phối hợp với Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong việc tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương theo quy định."
Liên quan tới Điều 11 về vị trí, chức năng và tổ chức bộ máy của Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng thực hiện công tác thanh tra hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Cục theo quy định của pháp luật; tiến hành thanh tra hành chính theo thẩm quyền đối với đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Cục trưởng.
Điều 12 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ công tác của các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ công an thuộc Cục quản lý; giúp Cục trưởng quản lý công tác giải quyết khiếu nại và xử lý tố cáo; xác minh, kết luận, kiến nghị các nội dung khiếu nại và tố cáo thuộc thẩm quyền của Cục trưởng và tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Cục theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Cục. Việc giúp Cục trưởng quản lý, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh tra cho Thủ trưởng và cán bộ thanh tra chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của các đơn vị thuộc Cục; tổng kết, rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin và nghiên cứu khoa học về công tác thanh tra theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo Cục trưởng và Chánh Thanh tra Bộ về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, lãng phí thuộc phạm vi quản lý của Cục.
Điều 13 của Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trong đó nhiệm vụ trình Cục trưởng quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; báo cáo xử lý việc chồng chéo, trùng lặp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra. Đồng thời kiến nghị xem xét, xử lý cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm. Tiến hành xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ theo quy định của pháp luật.
Nghị định 25/2021/NĐ-CP vừa được ban hành quy định tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân
Khoản 2 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung: Căn cứ kế hoạch thanh tra của Bộ Công an và yêu cầu quản lý của Công an đơn vị, địa phương, Chánh Thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra trình Thủ trưởng đơn vị chậm nhất vào ngày 05 tháng 12. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phê duyệt chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hằng năm.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra, cụ thể tại Điều 27: căn cứ kế hoạch thanh tra đã được Thủ trưởng Công an có thẩm quyền phê duyệt, Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Đồng thời, đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương, nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 28 cũng được sửa đổi, bổ sung: đối với lĩnh vực, vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của Công an nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra; Đối với lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó trách nhiệm của Công an là chủ yếu, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Thời gian của cuộc thanh tra hành chính được quy định tại Khoản 2 Điều 30: Cuộc thanh tra hành chính do Công an cấp tỉnh, Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tiến hành, thời hạn không quá 30 ngày. Ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
Bộ trưởng có thẩm quyền thanh tra lại trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được quy định cụ thể tại Điểm a khoản 2 Điều 32.
Đồng thời, theo thẩm quyền, Chánh thanh tra Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chánh Thanh tra Công an tỉnh căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và quy định tại Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 33 để ra quyết định thanh tra theo kế hoạch và ra quyết định thanh tra đột xuất đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đối với thời gian thực hiện thanh tra chuyên ngành, Khoản 1, khoản 2 Điều 38 quy định: Cuộc thanh tra chuyên ngành do Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày. Đồng thời, cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Công an tỉnh tiến hành, thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thế kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
Việc sử dụng con dấu, tài khoản của cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân được được sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 54, cụ thể: Thanh tra Bộ, Thanh tra Công an tỉnh, Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có con dấu riêng; Thanh tra Bộ, Thanh tra Công an tỉnh có tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước. Trường hợp còn lại, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an nhân dân sử dụng tài khoản và con dấu của cơ quan quản lý cùng cấp.
Để phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao và tăng hiệu quả hoạt động thanh tra Công an nhân dân, Nghị định 25/2021/NĐ-CP bãi bỏ các điều, khoản gồm: Điều 14, khoản 3 Điều 15, Điều 18, Điều 19, khoản 3 Điều 30. Đồng thời, bỏ cụm từ “Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, Thanh tra Công an huyện” tại mục 3 Chương II của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20 tháng 5 năm 2021./.