Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu tại buổi làm việc với Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra chiều ngày 28/2 về công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra năm 2016. Cùng dự có Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PH
Báo cáo kết quả công tác tại buổi làm việc cho thấy, trong năm 2016, Vụ Giám sát được giao tham mưu, soạn thảo trình lãnh đạo TTCP ký ban hành trên 100 văn bản phúc đáp các văn bản của Văn phòng Chính phủ. Phần lớn các văn bản do Vụ Giám sát tham mưu lãnh đạo TTCP báo cáo, đều được Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Năm 2016, Vụ Giám sát đã thực hiện đôn đốc, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra đối với 26 kết luận thanh tra, kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xử lý về kinh tế đạt tỷ lệ 72,7%, kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 79 tập thể, 47 cá nhân có liên quan và đã rà soát các vụ việc có sai phạm chuyển cơ quan chức năng khởi tố 7 vụ việc, 7 đối tượng. |
Trong việc tham mưu giúp lãnh đạo TTCP thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác xử lý sau thanh tra; công tác xây dựng thể chế, Vụ Giám sát đã chủ động rà soát và tham mưu cho lãnh đạo TTCP ký ban hành các văn bản đôn đốc, kiểm tra đối với các kết luận thanh tra do TTCP ban hành; nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách qua các kết luận thanh tra năm 2015 - 2016; tham gia ý kiến đóng góp vào nhiều dự thảo thông tư, nghị định và các văn bản do các đơn vị trong và ngoài cơ quan gửi xin ý kiến…
Bên cạnh đó, tổ chức 3 cuộc họp chuyên đề gắn với 3 nhiệm vụ chính là giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Kết thúc các buổi sinh hoạt chuyên đề, Vụ Giám sát đều có các báo cáo gửi lãnh đạo TTCP, Đảng ủy TTCP.
Đối với việc thực hiện chuyên môn, Vụ đã thực hiện giám sát 25 đoàn thanh tra do các cục, vụ thuộc TTCP được giao thực hiện. Thông qua công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra đã góp phần giúp lãnh đạo TTCP nắm bắt kịp thời và có biện pháp xử lý đối với những vướng mắc nảy sinh trong công tác quản lý hoạt động đoàn thanh tra.
Tuy nhiên, công tác giám sát các đoàn thanh tra chủ yếu thực hiện gián tiếp qua báo cáo tiến độ của đoàn thanh tra. Do vậy, việc gắn kết trong công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra và công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng Vụ Giám sát quá mỏng nên không thể bố trí tổ giám sát thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động của đoàn thanh tra.
Vụ đã thẩm định 21 dự thảo kết luận thanh tra theo chỉ đạo của lãnh đạo TTCP. Những dự thảo kết luận được Vụ thẩm định có nhiều nội dung phức tạp liên quan đến các bộ, ngành và địa phương; một số dự thảo kết luận thanh tra còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên đoàn thanh tra.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: PH
Trong quá trình thẩm định, Vụ đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất chính xác, thuyết phục cả về nội dung và thể thức của dự thảo kết luận thanh tra. Nhiều nội dung thẩm định được được lãnh đạo TTCP chỉ đạo trưởng đoàn tiếp thu…
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm tới, một số giải pháp được Vụ Giám sát đưa ra là phân công hợp lý người thực hiện công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; thực hiện tốt việc phối hợp trong nội bộ Vụ, giữa người được giao thẩm định với người giám sát; trong trường hợp cần thiết, đề xuất hình thành các tổ thẩm định với lực lượng của Vụ và một số vụ, đơn vị khác trong cơ quan để đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng báo cáo thẩm định; thường xuyên đánh giá chất lượng kết quả thẩm định, làm căn cứ phân loại, đánh giá cán bộ, công chức; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ chủ trì các cuộc thanh tra, các đoàn thanh tra để việc thẩm định tốt hơn…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đánh giá cao kết quả đạt được của Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra trong công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra năm 2016.
Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, lực lượng mỏng, nhưng Vụ đã đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác thẩm định, cũng như công tác xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong công tác giám sát, hiện công tác này vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực hiện quyết liệt”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Thanh tra yêu cầu Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra cần phải tăng cường, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong công tác giám sát, tránh hiện tượng nể nang, mang tính hình thức. Cần phải nghiên cứu phương pháp, cách làm để giám sát hoạt động thanh tra và có chế tài xử lý việc thực hiện kết luận thanh tra; việc giám sát thực hiện kết luận thanh tra phải đi kèm với những kiến nghị sửa đổi.
Đặc biệt, đối với công tác thẩm định, đòi hỏi tính độc lập cao, người thẩm định phải là người có kinh nghiệm trong công tác thanh tra, hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực phù hợp với nội dung thẩm định…
Tổng Thanh tra mong muốn, thời gian tới mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong Vụ phải tự rèn luyện, trau dồi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để có thể hoàn thành tốt công tác thẩm định, cũng như những nhiệm vụ được giao trong năm 2017.
LTT - Theo Thanhtra.com.vn