Mục đích của Thông tư 31/2021/TT-BTC (Thông tư 31) do Bộ Tài chính vừa ban hành nhằm quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo môi trường minh bạch, công bằng trên nền tảng tuân thủ pháp luật, giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý thuế…
Mục đích của Thông tư 31/2021/TT-BTC (Thông tư 31) do Bộ Tài chính vừa ban hành nhằm quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo môi trường minh bạch, công bằng trên nền tảng tuân thủ pháp luật, giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý thuế…
Theo Bộ Tài chính, Thông tư 31 được xây dựng nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quản lý rủi ro trong quản lý thuế, giúp cho việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và đem lại lợi ích rất lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng người nộp thuế và các tổ chức, cơ quan liên quan.
Thông tư này tạo môi trường minh bạch, công bằng trên nền tảng tuân thủ pháp luật, giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế tối đa vai trò can thiệp của cán bộ thuế trong quản lý, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về nội dung, Thông tư 31 quy định cụ thể việc phân luồng người nộp thuế theo các hành vi để áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý tương ứng giúp cơ quan quản lý phân bổ nguồn lực hợp lý, không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc, chỉ tập trung nguồn lực vào người nộp thuế không tuân thủ, lĩnh vực rủi ro. Đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế, tạo được sự cân bằng giữa việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật thuế.
So với Thông tư số 204/2015/TT-BTC trước đây, thì việc áp dụng quản lý rủi ro tại Thông tư 31 có một số điểm mới như sau:
Căn cứ vào kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro người nộp thuế, cơ quan thuế xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Thông tư 31/2021/TT-BTC nhằm quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo môi trường minh bạch, công bằng trên nền tảng tuân thủ pháp luật. Ảnh minh họa/Internet
Cùng với đó, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, theo một hoặc kết hợp các cách như chấm điểm, học máy, xếp hạng theo danh mục sẽ giúp việc đánh giá linh hoạt, tăng độ chính xác. Ngoài ra, quy định việc đánh giá phải dựa trên phân đoạn người nộp thuế để đảm bảo người nộp thuế có đặc thù đồng nhất theo địa bàn, quy mô, loại hình… cùng được đánh giá theo các nhóm tiêu chí và các biện pháp quản lý phù hợp.
Bên cạnh đó, các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế được quy định trong Thông tư và giao cho Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành chỉ số tiêu chí để đảm bảo linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý trong từng thời kỳ.
Thông tư 31 có sự thay đổi về mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế, trong đó, mức độ tuân thủ pháp luật thuế bổ sung mức không tuân thủ thành 4 mức để phù hợp theo tiếp cận của OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) với 4 tầng của mô hình tuân thủ tương ứng 4 mức độ tuân thủ - là mô hình đã được áp dụng ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia, thay vì 3 mức như quy định trước đây.
Đặc biệt, Thông tư 31 đề cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin thu thập từ bên thứ 3 phục vụ phân tích rủi ro nên đã bổ sung quy định xử lý trong trường hợp có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua đơn thư tố cáo, qua thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đồng thời, bổ sung việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân; bổ sung phương pháp đánh giá theo phương pháp học máy và việc đánh giá mang tính kế thừa kết quả đánh giá giữa đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế.
Thông tư 31/2021/TT-BTC quy định, đối với doanh nghiệp nói riêng và người nộp thuế nói chung có thể tham khảo các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế trong Thông tư và các biện pháp quản lý thuế đối với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro để người nộp thuế nắm bắt, tự đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro của mình và điều chỉnh hành vi, tránh sai sót và hoàn thiện tốt nhất nghĩa vụ của mình đối với ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thời hạn thông tin trong hồ sơ thuế, thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế để đảm bảo kết quả đánh giá mức độ tuân thủ và phân loại rủi ro được chính xác. Qua đó, người nộp thuế cần nâng cao tuân thủ thì cơ quan thuế sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ để người nộp thuế nâng cao mức độ tuân thủ, qua đó sẽ giảm thiểu được việc thanh tra, kiểm tra thuế từ cơ quan thuế./.