Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về việc triển khai xây dựng Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về việc triển khai xây dựng Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021. Trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu, đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định kiểm tra chuyên ngành để làm cơ sở triển khai mô hình mới này.
Toàn cảnh tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Tài chính tổ chức
Thưc hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan làm đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá nhập khẩu.
Tại hội nghị này, đại diện các bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị định, đều ủng hộ chủ trương cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh cải cách theo phương thức điện tử. Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề nêu trong dự thảo nghị định như phạm vi điều chỉnh của nghị định, đối tượng áp dụng, vai trò trách nhiệm của bộ, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá cao các ý kiến góp ý thiết thực, có giá trị thực tiễn, có trách nhiệm của đại diện các bộ, ngành. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo Nghị định tiếp thu tối đa các ý kiến đã đóng góp tại Hội nghị, đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm triển khai các công việc liên quan đến việc xây dựng Nghị định như: trình Bộ Tài Chính ký ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định, mặt khác cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, cập nhật các quy định có liên quan. Tổ chức triển khai các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, chuẩn bị báo cáo đánh giá tác động trình Chính phủ... để đảm bảo Nghị định có tính khả thi, minh bạch, phù hợp và hiệu quả trong thực tiễn./.