Sáng ngày 16/11/2023, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 cho toàn thể cán bộ công chức thanh tra các sở, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Sáng ngày 16/11/2023, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 cho toàn thể cán bộ công chức thanh tra các sở, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tham dự buổi tập huấn có các đồng chí lãnh đạo cơ quan Thanh tra Tỉnh cùng hơn 200 đại biểu là cán bộ công chức cơ quan Thanh tra Tỉnh, các đồng chí Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra của các huyện, sở, ngành trên địa bàn Hà Tĩnh. Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) được mời làm giảng viên buổi tập huấn.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, đồng chí Võ Văn Phúc, Chánh thanh tra tỉnh, nêu bật sự cần thiết sửa đổi Luật thanh tra 2010 nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng chí Võ Văn Phúc tin tưởng rằng với kinh nghiệm thực tiễn giảng dậy, kinh nghiệm công tác, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng sẽ truyền tải được hết những kiến thức, những điểm mới của Luật, giải đáp những khó khăn, vướng mắc để giúp những người làm công tác thanh tra của tỉnh Hà Tĩnh nâng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã nêu khái quát những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ; làm rõ một số khái niệm được quy định trong Luật Thanh tra; một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, triển khai thực hiện thanh tra… Đồng thời giải đáp những câu hỏi của các đại biểu tham dự buổi tập huấn liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022.
Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 118 điều (tăng 1 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023. So với quy định trước đây, Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 bổ sung rất nhiều quy định, điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, công tác phối hợp giữa thanh tra với kiểm toán Nhà nước, điều tra; việc ban hành kết luận thanh tra về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, ngoài ra đã bổ sung các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên, bỏ một số quy định về cộng tác viên thanh tra và quy định thanh tra nhân dân.
Những điểm mới về người ký quyết định thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, đoàn thanh tra, mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, các hành vi nghiêm cấm trong các cuộc thanh tra như thời gian, thẩm quyền, trách nhiệm, không bao che cho đối tượng thanh tra, không kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan công an khi phát hiện sai phạm...
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng cũng đưa ra những ví dụ cụ thể về những tồn tại mà những người làm công tác thanh tra trên cả nước gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cách giải quyết vấn đề, từ đó giúp cho cán bộ thanh tra trên địa bàn tỉnh có được những bài học sâu sắc, tránh được những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Kết thúc buổi tập huấn, đồng chí Võ Văn Phúc trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã truyền đạt rất nhiều kiến thức không chỉ là những kiến thức quy định trong điều, khoản của Luật Thanh tra mà còn là những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thanh tra của những người làm công tác thanh tra trên khắp cả nước. Qua đây, Chánh thanh tra cũng đề nghị Thanh tra Sở, ngành địa phương tiếp tục nghiên cứu sâu, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.