Chuyển Ban Tiếp công dân trở lại cơ quan thanh tra theo Dự thảo Luật Thanh tra sẽ cho phép cơ quan tiếp công dân được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này sẽ hiệu quả hơn, bởi việc tiếp công dân sẽ gắn với việc tham mưu giải quyết, tạo thành quy trình khép kín trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chuyển Ban Tiếp công dân trở lại cơ quan thanh tra theo Dự thảo Luật Thanh tra sẽ cho phép cơ quan tiếp công dân được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này sẽ hiệu quả hơn, bởi việc tiếp công dân sẽ gắn với việc tham mưu giải quyết, tạo thành quy trình khép kín trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hoàn thiện mô hình tổ chức tiếp công dân là thực sự cần thiết
Công tác tiếp công dân luôn được xác định là công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Do đó, việc hoàn thiện mô hình tổ chức tiếp công dân là thực sự cần thiết, có vai trò quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
Luật Tiếp công dân hiện hành quy định về Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân ở mỗi cấp. Triển khai thi hành Luật Tiếp công dân, trong những năm qua, Ban Tiếp công dân các cấp đã được thành lập, kiện toàn và tích cực hoạt động để thực thi các nhiệm vụ.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã thành lập và kiện toàn tổ chức của Ban Tiếp công dân Trung ương; còn tại Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh: Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Tiếp công dân cấp tỉnh. Ban Tiếp công dân cấp tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, do Trưởng ban là Phó Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh phụ trách, số lượng biên chế thường từ 4 - 8 công chức.
Tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện, ở các địa phương hiện nay, UBND cấp huyện đã thành lập Ban Tiếp công dân cấp huyện trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND do Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND kiêm giữ chức vụ Trưởng Ban Tiếp công dân, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của Ban Tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; bố trí từ 1 đến 2 công chức Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân.
Về mối quan hệ giữa Ban Tiếp công dân các cấp, luật Tiếp công dân không quy định về mối quan hệ giữa Ban Tiếp công dân Trung ương với Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh với Ban Tiếp công dân cấp huyện. Điều đó dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trên thực tế giữa các cơ quan này trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra... hoạt động tiếp công dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính thuộc về người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Nhưng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo lại do nhiều cơ quan thực hiện. Các cơ quan tham gia vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ tạo nên mô hình tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội. Ảnh: L.A
Thống nhất để nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Quy định trên cho thấy mô hình cơ quan tiếp công dân không có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, không thống nhất về cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập và cơ quan chủ quản. Ban Tiếp công dân Trung ương do Thanh tra Chính phủ thành lập và trực thuộc Thanh tra Chính phủ; Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện do UBND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Sự bất cập trên dẫn đến việc giữa Ban Tiếp công dân các cấp không có mối quan hệ trực thuộc, làm nảy sinh những khó khăn, vướng mắc trên thực tế giữa các cơ quan này trong việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kiểm tra... hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư.
Hơn nữa, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện không có chức năng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư đối với UBND cấp dưới; không có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tiếp công dân. Chức năng này vẫn do thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện đảm nhận. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc phát hiện, nhắc nhở, xử lý những hạn chế, sai phạm trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư của cấp dưới trực tiếp.
Theo Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi khoản 2, Điều 12 và Điều 13 Luật Tiếp công dân, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh được xây dựng theo hướng trở về Thanh tra tỉnh. Ở cấp huyện, tại những huyện không được thành lập tổ chức Thanh tra, Ban Tiếp công dân huyện thực hiện nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, còn ở những huyện được thành lập Thanh tra huyện, Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Như vậy, Ban Tiếp công dân Trung ương vẫn giữ nguyên như Luật Tiếp công dân năm 2013; Ban Tiếp công dân cấp tỉnh sẽ trực thuộc Thanh tra cấp tỉnh; Ban Tiếp công dân cấp huyện trực thuộc Thanh tra huyện. Trường hợp các huyện không được phép thành lập Thanh tra cấp huyện, Ban Tiếp công dân vẫn trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân như cũ hay trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện?
Có thể thấy, trong cả hai trường hợp này thực hiện thêm nhiệm vụ “tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện” thì Ban Tiếp công dân khó có thể đảm nhận được. Bởi thực tiễn cho thấy, ở nhiều địa phương Ban Tiếp công dân cấp huyện trong thời gian qua hoạt động không tốt, do đó nếu phải thực hiện nhiệm vụ tham mưu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì khó có thể đảm trách được.
Như vậy, việc chuyển Ban Tiếp công dân trở lại cơ quan thanh tra theo Dự thảo Luật Thanh tra sẽ cho phép cơ quan tiếp công dân được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này sẽ hiệu quả hơn, bởi việc tiếp công dân sẽ gắn với việc tham mưu giải quyết, tạo thành quy trình khép kín trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tạo sự đồng bộ giữa các huyện với nhau, giữa cấp huyện với cấp với cấp tỉnh./.